Mở đường, phân luồng chống ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất dịp Tết

Để đảm bảo việc đi lại cho người dân trong dịp Tết, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã tổ chức phân luồng giao thông trong khu vực sân bay trong khi ở bên ngoài, TP HCM tiếp tục duy trì tổ phản ứng nhanh nhằm giải quyết kịp thời các sự cố, tránh ùn ứ dẫn đến ùn tắc giao thông.

Ngày 28/12, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP HCM (GTVT) Võ Khánh Hưng cho biết trong dịp cao điểm Tết TP HCM tiếp tục duy trì Tổ phản ứng nhanh nhằm giải quyết kịp thời các sự cố va quẹt gây ùn ứ có thể dẫn đến tình trạng kẹt xe tại khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất.

Ông Võ Khánh Hưng cho biết Sở GTVT đã phối hợp chặt chẽ với Công an TP HCM, UBND quận Tân Bình và Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để giải quyết tình trạng kẹt xe. 

Trong tuần, các đơn vị liên quan sẽ họp thống nhất các phương án và ban hành kế hoạch để các đơn vị triển khai.

"Các dịp lễ giáng sinh, Tết Dương lịch 2020 và Tết nguyên đán sắp tới, các thông tin về sự cố, ùn ứ… sẽ được lực lượng phản ứng nhanh cập nhật thường xuyên hơn để chủ động giải quyết. 

Trong sân bay cũng đã tổ chức lại giao thông nội bộ phù hợp hơn. Ngay như tuyến xe buýt của chúng tôi trong sân bay trước đây đi thoải mái hiện nay cũng bị phân luồng khi lưu thông trong sân bay để phù hợp với tình hình giao thông bởi thực tế xe đưa đón hành khách là một trong những nguyên nhân chính gây kẹt xe”, ông Hưng thông tin.

Mở đường, phân luồng chống ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất dịp Tết - Ảnh 1.

Sân bay Tân Sơn Nhất.

Không chỉ thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm, tình trạng kẹt xe tại các tuyến đường quanh sân bay Tân Sơn Nhất đang là nỗi ám ảnh của người dân khi qua cửa ngõ này. 

Phòng Cảnh sát giao thông TP HCM ghi nhận, có hàng chục giao lộ thường xuyên xảy ra ùn tắc, ảnh hưởng đến giao thông tại sân bay.

Theo lãnh đạo Sở GTVT, sân bay Tân Sơn Nhất hiện chỉ có một lối ra vào duy nhất. Cơ sở hạ tầng phục vụ cảng chưa được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch. Hằng ngày, khoảng 40.000 xe ra vào sân bay nên thường xảy ra ùn tắc.

Để giải quyết tình trạng ùn tắc cho khu vực sân bay, về lâu dài, TP HCM phải nâng cao năng lực của hệ thống hạ tầng giao thông. 

Đến nay, thành phố đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 3 dự án gồm: Xây dựng cầu vượt tại giao lộ đường Trường Sơn - Hồng Hà - Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài (ở cổng sân bay Tân Sơn Nhất), dự án xây cầu vượt nút giao thông Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn (Q.Phú Nhuận, Q.Gò Vấp) và dự án mở rộng đường Hoàng Minh Giám (Q.Phú Nhuận).

Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lí dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM, hiện có 7 dự án cần số vốn 5.600 tỉ đồng phải làm từ nay đến năm 2022 trước khi nhà ga T3 đi vào khai thác.  

Trong đó, dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn với đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình) là dự án trọng tâm nhất vì nằm phía trước nhà ga T3.

Dự án này có tổng mức đầu tư 4.849 tỉ đồng (trong đó xây dựng khoảng 1.735 tỉ đồng và giải phóng mặt bằng khoảng 2.640 tỉ đồng).  

Qui mô dự án gồm: Làm tuyến đường mới nối từ đường Trần Quốc Hoàn đến Cộng Hòa (Q.Tân Bình) dài 4,3km cho 6 làn xe lưu thông; xây dựng hầm chui tại nút giao Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn và đường Trường Chinh với đường Tân Quỳ - Tân Quý; xây một cầu vượt dài 1,2km rộng 17m trước nhà ga T3.

Khó khăn lớn nhất của dự án này là trong số 11ha cần bàn giao thì gần 10ha là đất quốc phòng. 

Tuy nhiên, ông Phúc cho biết, mới đây Bộ Quốc phòng đã thống nhất với quy mô, phương án thiết kế dự án và có tiến độ bàn giao đất để thi công dự án. 

Ông Phúc dự kiến công trình sẽ thi công trong năm 2020 và hoàn thành vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022.

Mở đường, phân luồng chống ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất dịp Tết - Ảnh 2.

Đường Trường Sơn là con đường độc đạo ra vào sân bay Tân Sơn Nhất nên thường xuyên bị ùn tắc, đặc biệt là vào dịp lễ, tết khi nhu cầu đi lại của người dân tăng cao.

Ông Phúc cho hay, TP HCM cũng sẽ đầu tư mở rộng hàng loạt tuyến đường xung quanh khu vực này như đường Hoàng Hoa Thám, Tân Kỳ - Tân Quý, mở rộng đường Trường Chinh (đoạn từ Cộng Hòa đến Phạm Văn Bạch), mở rộng nâng cấp đường Tân Sơn… Bên cạnh đó còn tổ chức lại giao thông kết nối bên trong sân bay (ga T1, T2, T3).

Ngoài ra, khu vực mũi tàu đường Trường Chinh - Cộng Hòa sẽ có nhà ga của tuyến metro số 2. Vì vậy, khu vực này sẽ có hầm chui để giải quyết giao thông. 

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM đang có hướng kết nối nhà ga metro này thành điểm trung chuyển, tập kết khách vào nhà ga T3.

Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm cho biết qui hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đến năm 2020 chỉ có công suất 25 triệu hành khách/năm.

 Hạ tầng giao thông kết nối sân bay Tân Sơn Nhất nếu cố gắng khai thác cũng chỉ đạt được 40 triệu hành khách/năm.

Hiện nay, TP HCM đã thành lập tổ công tác liên ngành gồm Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT và TP HCM để điều phối chung dự án nhà ga T3 và các dự án giao thông kết nối bên ngoài nhằm đảm bảo khi nhà ga T3 đưa vào khai thác thì giao thông kết nối phải đồng bộ.


chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.