Developer options (DO) là một menu ẩn, chứa các tùy chọn nâng cao trên thiết bị Android, và đúng như tên gọi của nó - dành cho những nhà phát triển phần mềm. Tuy nhiên, vẫn có những tùy chọn nằm trong DO mà người dùng phổ thông hoàn toàn có thể tận dụng để biến chiếc Android của mình trở nên thú vị hơn.
Cách để truy cập DO
Khá dễ lý giải nguyên nhân mà Google "giấu" khá kỹ DO bên trong phần Settings (Cài đặt) của máy. Với mục đích giúp các nhà phát triển thử nghiệm phần mềm trên thiết bị, trước khi tung ra cho người dùng phổ thông, các tùy chọn ở DO có thể khiến máy của bạn ngưng hoạt động. Hãy cẩn thận khi thao tác tại khu vực này.
- Mở Settings (cài đặt), chọn About phone (Giới thiệu điện thoại) thường nằm ở dưới cùng của menu Settings.
- Chạm vào dòng Build number 7 lần liên tiếp
- Thông báo sẽ xuất hiện nếu bạn mở DO thành công
- Ngoài ra, một số dòng máy cũng có sẵn menu DO tại phần Additional settings (cài đặt thêm) của máy
1. Cài đặt bất cứ ứng dụng nào lên bộ nhớ mở rộng (thẻ SD)
Nếu một số ứng dụng "cứng đầu" không chịu cài đặt lên thẻ nhớ, hãy sử dụng tùy chọn "Force allow apps on external". Tùy chọn này sẽ ép các ứng dụng cài lên thẻ nhớ, thay vì bộ nhớ trong.
Một số ứng dụng được các nhà phát triển xây dựng với tính năng tự động tìm kiếm các thành phần cần thiết của hệ thống (nằm ở bộ nhớ trong) để có thể hoạt động, và sẽ không thể tìm kiếm được các thành phần này, nếu ứng dụng nằm trên bộ nhớ mở rộng.
Tuy nhiên, cũng có một số nhà phát triển không cho phép ứng dụng được cài lên thẻ nhớ, chỉ vì tính đơn giản của phần mềm. Do đó, tùy chọn này sẽ giúp bạn giải phóng khá nhiều bộ nhớ trong.
2. Ép ứng dụng bất kỳ hoạt động trên cửa sổ song song
Google giới thiệu tới người dùng Android tính năng split-screen (chia đôi màn hình) khá tiện dụng trong bản Android Nougat, giúp người dùng có thể xem 2 ứng dụng chạy đồng thời.
Tuy nhiên, một số phần mềm, do ưu tiên tính ổn định, vẫn chưa chịu "hợp tác" với tính năng mới này. Tùy chọn "Force activities to be resizable" sẽ giúp bạn thay đổi điều này. Sau khi bật tùy chọn trên, hãy nhớ khởi động lại thiết bị để thay đổi có tác dụng.
Cũng cần lưu ý, một số ứng dụng thực sự không thể hoạt động ở chế độ split-screen, do đó, ép chúng chạy ở chế độ này sẽ dẫn tới tình trạng treo máy.
3. Giữ màn hình luôn sáng khi sạc
Tính năng này phù hợp với những người bận rộn, luôn cần theo dõi các thông báo từ điện thoại. Tùy chọn "Stay awake" sẽ giúp màn hình điện thoại của bạn luôn sáng khi cắm sạc. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là việc để màn hình sáng quá lâu sẽ khiến chiếc smartphone của bạn nóng lên nhanh chóng.
4. Tăng tốc các hiệu ứng chuyển cảnh
Những hiệu ứng chuyển cảnh như lúc mở ứng dụng hoặc di chuyển giữa các màn hình chính của máy đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra cảm giác nhanh/chậm của điện thoại.
Các tùy chọn như "Window animation scale", "Transition animation scale" và "Animation duration scale" chính là các tùy chọn quyết định khoảng thời gian thể hiện các hiệu ứng chuyển cảnh. Bạn có thể chọn .5x để khoảng thời gian này rút xuống còn một nửa.
Thực tế, thời gian điện thoại hiển thị các hiệu ứng này cũng là độ trễ để phần cứng kịp thời tải phần mềm đó từ bộ nhớ, do đó, không hẳn việc chọn .5x sẽ giúp chiếc Android của bạn trở nên thực sự nhanh nhẹn hơn.
5. Đổi qua chế độ đen trắng để tiết kiệm pin
Với những máy sử dụng màn hình AMOLED, cách đơn giản để tiết kiệm pin là chuyển sang sử dụng theme (chủ đề) có nhiều màu tối. Các điểm ảnh màu đen trên màn hình AMOLED không tiêu tốn tăng lượng để hiển thị.
Nếu không, bạn sẽ vẫn có chế độ hiển thị tiết kiệm năng lượng hơn với tùy chọn Monochromacy bên trong DO. Để chọn chế độ này, bạn chọn Simulate color space. Tuy nhiên cũng cần lưu ý là chế độ này chỉ thực sự phát huy tác dụng với màn hình AMOLED (điểm ảnh màu đen không tốn năng lượng để duy trì).
Google ra mắt ứng dụng mới, ai hay đi du lịch cũng nên cài
Ứng dụng Trusted Contacts vừa được Google ra mắt giúp bạn chia sẻ địa điểm của mình với người thân, trong những tình huống khẩn ... |