Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, dân dụng và công nghiệp tỉnh Kon Tum vừa qua đã công bố Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án xây dựng cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 676 nối tỉnh Kon Tum với tỉnh Quảng Ngãi.
Theo đó, tỉnh lộ 676 hiện hữu có chiều dài 64 km, điểm đầu giao với QL 24 tại thị trấn Măng Đen, đi qua các xã Măng Cành, Đăk Tăng, Đăk Ring, Đăk Nên của huyện Kon Plông của tỉnh Kon Tum và kết nối với tuyến đuờng liên huyện Sơn Tây - Sơn Hà (ÐT 623) của tỉnh Quảng Ngãi.
Hiện nay, ngoài đoạn từ Km0 đến Km2+500 đã được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch thị trấn Măng Đen thì đoạn còn lại từ Km2+500- Km64+00 hiện trạng nền mặt đường nhỏ hẹp, độ dốc dọc lớn, bán kính đuờng cong nằm nhỏ, qua vùng có điều kiện địa hình phức tạp, chia cắt.
Do ảnh huởng của mưa bão hàng năm nên tuyến đuờng đã bị hư hỏng nặng, đi lại rất khó khăn, thuờng xuyên bị ách tắc, mất an toàn giao thông.
Một đoạn tỉnh lộ 676 hiện nay. (Ảnh: Vietnamnet).
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, dân dụng và công nghiệp tỉnh Kon Tum (chủ đầu tư), dự án Đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 676 thực hiện cải tạo, nâng cấp, nắn chỉnh tuyến đường có tổng chiều dài hơn 56 km.
Tuyến đi qua địa phận thị trấn Măng Đen và các xã Măng Cành, Đăk Tăng, Măng Bút, Đăk Ring và Đăk Nên(huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum). Điểm đầu tại Km2+00, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông; điểm cuối tại Km64+00 (cầu Tà Meo), xã Đăk Nên, huyện Kon Plông.
Hướng tuyến dự án. (Ảnh chụp từ văn bản ĐTM).
Về hiện trạng sử dụng đất của dự án, tổng diện tích chiếm dụng của dự án là gần 200 ha. Trong đó, diện tích nền đường cũ 57,5 ha; diện tích đường mở rộng và xây dựng mới 109,8 ha; đất chiếm dụng làm bãi thải đất thừa 32,5 ha.
Trên tuyến sẽ được xây dựng 6 cầu mới bao gồm xây dựng cầu Km5+536 kích thước 15 x 9 m, kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực bắc qua suối cạn thuộc địa bàn xã Măng Cành (tại vị trí cách cầu cũ 16,5 m về phía thượng lưu).
Xây dựng cầu Km10+873,33 kích thước 24 x 9 m, kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực bắc qua suối Đăk Ne thuộc địa bàn xã Măng Cành (tại vị trí cách cầu cũ 23,5m về phía hạ lưu).
Xây dựng cầu Suối Ngom tại Km21+792 kích thước 33,0 x 9 m, kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực bắc qua suối Ngom thuộc địa bàn xã Đăk Tăng (cách cầu cũ 24 m về phía hạ lưu).
Xây dựng cầu Đăk Chờ tại Km38+147 kích thước 66 x 9 m, kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực bắc qua suối Đăk Chờ thuộc địa bàn xã Đăk Tăng (cách cầu cũ 36 m về phía thượng lưu).
Xây dựng cầu Ngọc Hoàng tại Km41+570 kích thước 33 x 9 m, kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực bắc qua suối Ngọc Hoàng thuộc địa bàn xã Đăk Ring (cách cầu cũ 30 m về phía hạ lưu).
Xây dựng cầu Đăk Ring tại Km49+329 kích thước 72 x 9) m, kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực bắc qua suối Đăk Ring thuộc địa bàn xã Đăk Ring (cách cầu cũ 9,25 m về phía hạ lưu).
Về quy mô xây dựng, tuyến từ bề rộng nền đường hiện hữu là 3,5 m - 5 m thành bề rộng nền đường 9 m. Trong đó, bề rộng mặt đường bê tông xi măng 6 m, lề gia cố hai bên bằng bê tông xi măng 2 m (mỗi bên rộng 1 m), lề đất hai bên 1 m (mỗi bên 0,5 m), đảm bảo đạt tiêu chuẩn đường cấp III miền núi.
Cầu Đăk Tăng tại Km27+634,82 bắc qua suối Đăk Tăng thuộc địa bàn xã Đăk Tăng sẽ được cải tạo, mở rộng mặt về bên trái theo hướng Kon Tum đi Quãng Ngãi) của cầu hiện có thêm 2,5 m, bề rộng cầu sau khi cải tạo 10 m, chiều dài cầu sau cải tạo là 33 m.
Về tiến độ thi công, theo tiến độ thi công hiện tại, dự kiến đi vào vận hành tuyến đường vào quý IV/2026. Tổng mức đầu tư của dự án theo chủ trương được UBND tỉnh phê duyệt là 1.300 tỷ đồng.
Trong đó, chi phí đền bù hơn 77 tỷ đồng; chi phí xây dựng gần 1.019 tỷ đồng; chi phí QLDA hơn 14 tỷ đồng; chi phí tư vấn xây dựng gần 54 tỷ đồng; chi phí khác gần 24 tỷ đồng và chi phí dự phòng hơn 112 tỷ đồng.
Theo các Nghị quyết thông qua hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025 và Nghị quyết thông qua 34 hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025 vừa được Chính phủ thông qua , hai địa phương bao gồm Quảng Ngãi và Kon Tum sẽ được hợp nhất.
Theo đó, hợp nhất tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum, lấy tên là tỉnh Quảng Ngãi, có trung tâm hành chính tại Quảng Ngãi. Tỉnh Quảng Ngãi sau khi sáp nhập có diện tích gần 15.000 km2, quy mô dân số gần 1,9 triệu người.
Sau khi sáp nhập, tỉnh Quảng Ngãi (mới) có nhiều lợi thế phát triển kinh tế, vừa có biển vừa có rừng. Cùng với đó, tỉnh sẽ được quy hoạch hai sân bay bao gồm sân bay trên đảo Lý Sơn và sân bay tại Măng Đen.
Theo quy hoạch, cảng hàng không Lý Sơn rộng hơn 161 ha, bao gồm phần diện tích dự kiến xây dựng sân bay và hạ tầng kỹ thuật kèm theo. Trong đó, phần diện tích lấn biển hơn 127 ha.
Sân bay Măng Đen có vị trí dự kiến tại thị trấn Măng Đen, H.Kon Plông (Kon Tum), cách trung tâm TP Kon Tum khoảng 45 km, cách sân bay Pleiku khoảng 73 km, cách sân bay Phù Cát khoảng 105 km và sân bay Chu Lai khoảng 93 km.
Khu vực dự kiến quy hoạch sân bay Măng Đen nằm hoàn toàn trên khu vực đồi núi, diện tích dự kiến khoảng 350 ha. Công suất quy hoạch dự kiến đến năm 2030 khoảng 1 triệu hành khách/năm. Sân bay này có quy mô 4C, được định hướng cải tạo dây chuyền để khai thác vượt công suất cho giai đoạn sau năm 2030.
Diễn đàn Đầu Tư Việt Nam 2025 - Mid-Year Update do trang thông tin điện tử tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 03/06/2025 tại TP Hà Nội.
Sự kiện quy tụ các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia tài chính, các định chế tài chính, đại diện từ các doanh nghiệp, ngân hàng, các cơ quan thông tấn báo chí và đông đảo nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường.
Trong giai đoạn thị trường có nhiều thay đổi với những tác động chính sách, Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
BTC dành số lượng vé hạn chế cho độc giả VietnamBiz. Vui lòng đăng ký và hoàn thành khảo sát tại đây để xác nhận tham dự.