Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Cát Bi định hướng đến năm 2025.
Theo quyết định này, Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Cát Bi định hướng đến năm 2025 sẽ tiếp tục duy trì nhà ga hành khách T1 đạt công suất 2 triệu hành khách/năm, nghiên cứu mở rộng nhà ga hành khách T1 đạt công suất 3 triệu hành khách/năm khi có nhu cầu.
Quy hoạch xây dựng nhà ga hành khách T2 công suất 5 triệu hành khách/năm, dự trữ quỹ đất để mở rộng nhà ga hành khách T2 trong giai đoạn tiếp theo.
Khu kỹ thuật của nhà ga hành khách T2 quy hoạch vị trí chung tại khu kỹ thuật của nhà ga T1 hiện hữu hoặc đặt ngầm trong khu vực nhà ga T2.
Về quy hoạch giao thông, đường trục ra vào cảng hàng không sử dụng đường Lê Hồng Phong là đường trục chính kết nối với nhà ga hành khách, xây dựng đồng bộ cầu cạn lên tầng 2 cùng với nhà ga hành khách T2, nghiên cứu phương án giao thông kết nối khu vực giữa các nhà ga hành khách.
Vào tháng 11 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã yêu cầu khẩn trương triển khai nhà ga hành khách số 2 tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi (Hải Phòng), phấn đấu phê duyệt dự án trong tháng 12, khởi công trong quý I/2022, hoàn thành công trình đưa vào sử dụng sau 24 tháng thi công.
Dự án xây dựng Nhà ga hành khách T2 – Cảng hàng không quốc tế Cát Bi với tổng mức đầu tư 2.050 tỷ đồng với quy mô công suất thiết kế 5 triệu hành khách/năm; khai thác nội địa với hai cao trình (tách biệt cao trình đi và cao trình đến) và các hạng mục phụ trợ, bao gồm: đường tầng, nhà để xe ngoại trường, nhà M&E, trạm điện, cấp nước, xử lý nước thải, nhà để xe hai bánh, trạm thu phí…; hệ thống đường ra vào nhà ga, đường nội bộ kết nối, bãi đậu xe ô tô trước nhà ga, cây xanh cảnh quan,…
Đến nay, dự án đã được Tư vấn CPG Singapore và ADCC tiến hành khảo sát và lập Báo cáo nghiên cứu khả thi. UBND thành phố chấp thuận phương án kiến trúc nhà ga, thẩm định và phê duyệt đánh giá tác động môi trường. Cục Hàng không Việt Nam thẩm định, phê duyệt chi tiết phân khu chức năng 1/500. Chuẩn bị đầu tư dự án cơ bản hoàn tất.
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 khoảng 400.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 22% nhu cầu vốn đầu tư toàn ngành), được huy động nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Tầm nhìn đến năm 2050, cả nước sẽ hình thành 29 cảng hàng không, bao gồm 14 cảng hàng không quốc tế như giai đoạn trước và bổ sung thêm một cảng hàng không là Cao Bằng để nâng tổng số cảng hàng không nội địa lên con số 15.
Về giải pháp về huy động vốn đầu tư, đối với cảng hàng không mới, Bộ Giao thông vận tải sẽ huy động tối đa nguồn vốn của xã hội đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP); giao ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có quy hoạch cảng hàng không mới là cơ quan có thẩm quyền để huy động, cân đối nguồn lực và tổ chức thực hiện đầu tư.