Mở rộng sân bay Điện Biên và kỳ vọng tạo lực đẩy thu hút đầu tư vùng Tây Bắc

Sân bay Điện Biên được đầu tư 1.467 tỷ đồng để mở rộng đường băng, sân đỗ, đón các máy bay lớn như A320 và tương đương. Công trình khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao năng lực khai thác các mạng đường bay trong cả nước, tạo cơ hội kết nối các vùng miền đến với Tây Bắc và tương lai không xa sẽ là kết nối đường bay quốc tế đến với Điện Biên.
Mở rộng sân bay Điện Biên và kỳ vọng tạo lực đẩy thu hút đầu tư vùng Tây Bắc - Ảnh 1.

Phối cảnh sân bay Điện Biên sau khi hoàn thành mở rộng. (Ảnh: ACV).

Nâng công suất lên 500.000 - 1 triệu khách/năm

Sáng ngày 22/1, tỉnh Điện Biên và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã khởi công dự án xây dựng mở rộng sân bay Điện Biên. Tính đến hiện tại, đây là sân bay duy nhất trong 6 tỉnh biên giới Tây Bắc Việt Nam.

Cảng hàng không tại Điện Biên cách Hà Nội khoảng 500 km về phía tây, hiện có nhà ga hành khách quy mô nhỏ, chiều dài đường cất hạ cánh hiện hữu ngắn (1.830 m), chỉ có thể tiếp nhận các loại tàu bay cỡ nhỏ như ATR-72 hoặc Embraer 190.

Tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên với quy mô đường cất hạ cánh dài 2.400 m, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cho các loại máy bay hiện đại như A320, A321. Nhà ga sân bay sẽ được nâng cấp nhằm đáp ứng công suất giai đoạn I từ 500.000 đến 1 triệu khách/năm.

Chủ tịch HĐQT ACV Lại Xuân Thanh cho biết, dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.467 tỷ đồng từ nguồn vốn của ACV. Công tác giải phóng mặt bằng với tổng mức đầu tư 1.555 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh Điện Biên. Công trình dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác vào quý III/2023.

"Việc hoàn thiện mở rộng Cảng hàng không Điện Biên sẽ góp phần nâng cao năng lực khai thác các mạng đường bay trong cả nước, tạo cơ hội kết nối các vùng miền đến với Tây Bắc và tương lai không xa sẽ là kết nối đường bay quốc tế đến với Điện Biên", ông Lại Xuân Thanh cho hay.

Phát triển mạng lưới giao thông kết nối sân bay, thu hút doanh nghiệp đầu tư

Điện Biên nằm trên tuyến du lịch quốc gia Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên - Lai Châu - Sa Pa - Lào Cai - Hà Nội, qua đó có thể đi du lịch kết hợp bằng các phương tiện đường không, đường bộ, với lợi thế lớn khi dự án tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên, tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai - Sa Pa và dự án cải tạo, nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên được triển khai xây dựng hoàn thành.

Theo thống kê năm 2019, Điện Biên đón khoảng 845.000 lượt du khách, thời gian lưu trú khoảng 2,4 ngày, trong đó có khoảng 25.300 lượt hành khách đi bằng đường hàng không, (chiếm 3%), còn chủ yếu đi bằng đường bộ (97%). Phần lớn khách du lịch có quỹ thời gian hạn chế (2-3 ngày) sẽ cân nhắc lựa chọn Điện Biên làm điểm đến bởi thời gian di chuyển đường bộ tương đối dài (chặng Hà Nội - Điện Biên đi ô tô cần khoảng 10-12 giờ).

Trong khi đó, sân bay này bị hạn chế về tĩnh không hai đầu đường cất/hạ cánh (vướng núi) nên hiện tại Cảng hàng không Điện Biên chỉ đảm bảo khai thác tàu bay ATR72 và tương đương vào ban ngày (trong điều kiện thời tiết cho phép).

Việc mở rộng nâng cấp sân bay Điện Biên có ý nghĩa quan trọng với vùng kinh tế Tây Bắc. Sau khi hoàn thành, dự án được kỳ vọng sẽ tạo sức bật cho nền kinh tế, tăng khả năng huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả giai đoạn 2021-2025.

Theo Báo cáo tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2021, địa phương cho biết trong năm qua, Điện Biên đã đón tiếp nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn như Vingroup, FLC, Sun Group, Hải Phát, Flamingo, SGO, Tây Bắc,... đến tìm hiểu, khảo sát, nghiên cứu, ký thỏa thuận hợp tác với tỉnh.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô cho rằng việc triển khai hầu hết còn cầm chừng do các nhà đầu tư đang trông đợi tiến độ triển khai xây dựng mở rộng sân bay Điện Biên.

Nói về khó khăn về cơ sở hạ tầng, Báo Điện tử Chính phủ dẫn lời người đứng đầu tỉnh ông Lê Thành Đô cho biết để thực hiện mục tiêu kết nối giao thương giữa Điện Biên với khu vực Tây Bắc, các tỉnh Bắc Lào thông qua cửa khẩu quốc tế Tây Trang và kết nối với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) thông qua lối mở A Pa Chải, địa phương đã đề xuất đầu tư tuyến cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang giai đoạn 1 (đoạn từ TP Điện Biên Phủ đến nút giao Km 15+800/QL279) theo phương thức PPP, giao cho tỉnh Điện Biên là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền triển khai dự án; về lâu dài, bổ sung vốn đầu tư cho tỉnh để thực hiện đầu tư theo quy hoạch.

Các bộ, ngành cho rằng địa hình đồi núi chia cắt là một khó khăn đối với tỉnh. Do đó, việc mở rộng sân bay Điện Biên có ý nghĩa quan trọng. Vì vậy, tới đây, Điện Biên cần phát triển hệ thống đường bộ kết nối với sân bay.

Trong buổi làm việc với tỉnh Điện Biên vào sáng 22/1, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh Điện Biên là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh thuộc khu vực Tây Bắc. Đây cũng là địa phương có tiềm năng đa dạng về tài nguyên khoáng sản, là vùng đất đặc biệt về văn hóa và cách mạng.

Điểm rất nổi bật của Điện Biên là trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh đã tập trung phát triển hệ thống hệ thống hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng chiến lược, điển hình là dự án kết nối giao thông động lực của tỉnh và dự án sân bay Điện Biên. Theo Phó Thủ tướng, đây là dự án lớn đầu tiên được khởi công trong năm 2022 trên cả nước về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Thống nhất cao với các giải pháp tỉnh Điện Biên đề ra, Phó Thủ tướng nhấn mạnh địa phương cần tập trung cao độ cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, "đây là điều kiện tiên quyết để thu hút các doanh nghiệp vào Điện Biên". Vì nếu có hạ tầng giao thông tốt thì thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư do tỉnh có nhiều tiềm năng, tài nguyên. Phó Thủ tướng đề nghị Điện Biên rà soát lại quy hoạch hạ tầng giao thông, từ đó, xây dựng các đề án cụ thể.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.