MobiFone tham vọng thu quảng cáo 2 tỉ USD khi mua AVG

Sáng 17/12, ngày thứ hai của phiên xét xử vụ án MobiFone mua Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu AVG, TAND Hà Nội thẩm vấn nhóm cựu lãnh đạo MobiFone, bị truy tố về tội Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, theo Khoản 3 Điều 220 Bộ luật Hình sự 2015, khung hình phạt 10-20 năm tù.

Hai cựu tổng giám đốc Nguyễn Bảo Long, Nguyễn Mạnh Hùng khi khai đàm phán mua 95% cổ phần của AVG, dựa trên nhiều báo cáo, MobiFone đánh giá doanh nghiệp này sở hữu hệ thống thiết bị hiện đại, phù hợp với chiến lược phát triển truyền hình số mặt đất tại Việt Nam đến năm 2020. Nếu có AVG, việc kinh doanh truyền hình kĩ thuật số sẽ khả thi, rút ngắn thời gian đầu tư trong bối cảnh thị trường quảng cáo trên truyền hình dự báo "rất có tiềm năng", với doanh thu hơn 2 tỉ USD đến năm 2020.

Bị cáo Phan Thị Hoa Mai (cựu thành viên Hội đồng thành viên MobiFone), khai trước các đánh giá tích cực, khả quan về dự án mua AVG, bà "chưa lần nào phản đối". 

Tại một cuộc họp giữa hai bên, giá mua AVG được thống nhất là 13.000 tỉ đồng, trong đó đầu tư vào truyền hình chiếm 8.000 tỉ đồng. Bà không nhất trí với mức giá đó, nhưng lại "không có cơ sở để phản đối". Bà có "băn khoăn về giá trị sổ sách của AVG", song không quan tâm giá mua cổ phần AVG là cao hay thấp.

"Bị cáo có thấy sai phạm của mình trong dự án này hay không?", HĐXX truy vấn. 

Bà Mai cho hay chỉ sau này khi bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra những sai phạm bà mới biết. 

Theo cáo buộc của nhà chức trách, bà Mai biết tình hình tài chính của AVG khó khăn, giá mua chênh lệch lớn so với giá trị thể hiện trên sổ sách kế toán, nhưng vẫn biểu quyết đồng thuận cùng Hội đồng thành viên báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, phê duyệt dự án. Bà còn tham gia ký khống hai biên bản họp Hội đồng thành viên để hợp thức hóa hồ sơ mua bán.

MobiFone tham vọng thu quảng cáo 2 tỉ USD khi mua AVG - Ảnh 1.

Cựu Phó tổng giám đốc MobiFone Phan Thị Hoa Mai. (Ảnh: TTXVN).

Như bà Mai, bị cáo Hồ Tuấn (cựu Phó Tổng giám đốc MobiFone) bị cáo buộc không phản đối dự án dù biết tình hình kinh doanh của AVG. Giải thích việc kí khống hai văn bản giống bà Mai, ông Tuấn nói "nghĩ không ảnh hưởng đến kết quả thực hiện dự án", vì lúc đó đã xong xuôi hết việc chuyển tiền cho AVG. 

"Do nể nang và thiếu hiểu biết tôi đã kí", ông Tuấn nói.

"Xuyên suốt vụ án này thể hiện, nguồn vốn thực hiện là 30% tự có, 70% vay ưu đãi, vậy tại sao lại dùng 100% vốn nhà nước để thanh toán?", thẩm phán Trương Việt Toàn hỏi bị cáo Phạm Thị Phương Anh (cựu Phó Tổng giám đốc MobiFone). Trước câu trả lời không rõ ràng của bị cáo này, thẩm phán nói: "Trả lời thì trả lời còn vòng vo. Bị cáo có biết sai không?". Bà Phương đáp: "Có".

Theo cáo trạng, trên cơ sở báo cáo đánh giá của các tổ giúp việc, đầu tháng 8/2015, Tổng giám đốc MobiFone Cao Duy Hải đã đề xuất giá mua AVG là 11.600 tỉ đồng. Từ đây, ngày 12/8/2015, Chủ tịch MobiFone Lê Nam Trà đề nghị Bộ Thông tin Truyền thông cho phép tổng mức đầu tư dự án là 11.700 tỉ đồng. MobiFone cho rằng chỉ mất 7-8 năm có thể hoàn vốn.

Khi Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ đưa mức giá chào bán trên cơ sở công ty nước ngoài trả giá 700 triệu USD, Tổ giúp việc, Ban giám đốc MobiFone dùng thông tin này làm căn cứ xác định giá mà không thẩm định.

Hậu quả, cuối năm 2015, MobiFone kí hợp đồng mua 95% cổ phần AVG với giá 8.900 tỉ đồng, gây thiệt hại cho nhà nước gần 6.600 tỉ đồng.

Cáo trạng của VKSND Tối cao cho rằng trách nhiệm chính thuộc về Hội đồng thành viên và Ban Tổng giám đốc MobiFone, gồm các bị cáo: Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Phan Thị Hoa Mai, Hồ Tuấn, Phạm Thị Phương Anh, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Bảo Long, Nguyễn Đăng Nguyên.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.