Năm 2010 quả là một năm trọng đại với Mark Zuckerberg. Nhà sáng lập Facebook được tạp chí danh tiếng Time bình chọn là nhân vật của năm, 7 năm sau khi mạng xã hội lớn nhất thế giới ra đời.
Năm 2011, Mark Zuckerberg bắt đầu định cư tại một trong những khu nhà giàu đắt đỏ nhất ở nước Mỹ, là Palo Alto. CEO Facebook và bạn gái Priscilla Chan đã chọn mua một ngôi nhà để ở cộng thêm 4 ngôi nhà xung quanh, với tổng trị giá khoảng 50 triệu USD. Cặp đôi cũng nhận nuôi một chú chó và đặt tên là Beast.
Vào năm 2012, Facebook chi 1 tỉ USD để mua lại mạng xã hội Instagram. Thực tế đã chứng minh đây là quyết định đúng đắn nhất của Facebook. Mạng xã hội chia sẻ ảnh Instagram lúc đó chỉ có tổng cộng 13 nhân sự, nhưng đã thu hút được khoảng 30 triệu người dùng sau 2 năm hoạt động. Việc Facebook chi tới 1 tỉ USD để mua lại Instagram khiến nhiều người rất bất ngờ, vì giá trị thương vụ này lớn gấp 10 lần các thương vụ trước của Facebook.
Sau khi mua lại Instagram, tháng 5/2012, Facebook đã có đợt chào bán cổ phiếu lần đầu (IPO), với giá cổ phiếu được niêm yết ở mức 38 USD mỗi cổ phiếu. Ngày 19/5/2012, Mark Zuckerberg kết hôn với bạn gái từ thời đại học Priscilla Chan.
Năm 2013, chuyên gia công nghệ Khalil Shreateh người Palestine đã phát hiện một lỗ hổng nghiêm trọng trên Facebook cho phép bất cứ ai cũng có thể đăng nội dung lên tường của thành viên khác. Tuy nhiên, sau khi báo lên cho Facebook, Shreateh nhận được câu trả lời rằng đó không phải là lỗi. Hacker mũ trằng này sau đó quyết định chứng minh bằng cách viết lên Timeline của chính nhà sáng lập Zuckerberg.
Năm 2014, Facebook đối mặt vô số lời chỉ trích sau khi mạng xã hội này tiết lộ từng tiến hành thực hiện một loạt bài kiểm tra tâm lí đối với 70.000 người hồi năm 2012. Facebook đã thử loại bỏ một số từ ngữ nhất định trên newsfeed người dùng để kiểm tra phản ứng sau đó đối với bài đăng.
Năm 2016 tiếp tục là một năm đầy biến động đối với Facebook. Mạng xã hội này thừa nhận đã tuân theo sự chỉ đạo của chính phủ Mỹ - Israel và xoá tài khoản của người Palestine, với lí do kích động người Hồi giáo.
Cũng trong năm 2016, Facebook hợp tác với ABC để phát sóng trực tiếp cuộc họp thượng đỉnh của đảng Dân chủ và Cộng hòa, cho phép người dân Mỹ không cần bật TV để theo dõi. Tuy nhiên, cũng từ đây câu chuyện tin tức giả mạo xuất hiện. Tin tức giả mạo gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh tiếng của Facebook, đặc biệt khi có những thông tin cho rằng nó có tác động đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Một lỗi hệ thống của Facebook đã để lộ thông tin cá nhân của 30 triệu người và được phanh phui vào tháng 12/2018. Danh sách bao gồm tìm kiếm, địa điểm, tên, số điện thoại… Vụ bê bối Cambride Analytica cũng ảnh hưởng đến 87 triệu người dùng, và là scandal lớn nhất trong lịch sử Facebook. Tháng 4/2018, người sáng lập Facebook phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ, để trả lời về bê bối ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử năm 2016 cùng nhiều câu hỏi hóc búa khác.
Năm 2019, Ủy ban Thương mại Mỹ (FTC) đã bỏ phiếu phê chuẩn án phạt tài chính 5 tỉ USD đối với vi phạm quyền riêng tư khách hàng của Facebook trong vụ bê bối với công ty tư vấn Cambridge Analytica. Dù đây là mức phạt kỉ lục từ trước tới nay của FTC, nhiều nhà phân tích và lập pháp vẫn cho rằng nó chỉ như một khoản phạt nhỏ, một chứng nhận để Facebook tiếp tục vi phạm, theo Guardian. Theo WSJ, sau khi án phạt được công bố, cổ phiếu Facebook tăng 1,8% giá trị trong phiên giao dịch ngày 12/7.