Con gái của Liu Junyang, một phó giáo sư của Đại học Quan hệ Quốc tế Trung Quốc, năm nay học lớp 5 tại một trường tiểu học. Trước kỳ nghỉ hè, Liu hỏi con có vui vì sắp được nghỉ không và nhận được câu trả lời bất ngờ của con gái: "Kỳ nghỉ đáng sợ lại bắt đầu rồi”. Trên khuôn mặt con, Liu có thể cảm nhận rõ nỗi buồn, sự mệt mỏi và chán chường.
Lịch học của cô con gái Liu trong mùa hè gồm 2 buổi học toán, tiếng Anh, đàn piano, trượt băng và bơi mỗi môn 3 buổi. Bé cũng phải chuẩn bị cho cuộc thi piano của Học viện Âm nhạc Trung ương. Sau những buổi học và kiểm tra, kỳ nghỉ 7 tuần của con gái Liu chỉ còn lại vỏn vẹn 9 ngày.
Ảnh minh hoạ: China Daily |
Lịch học này do vợ Liu sắp xếp. Nhưng vợ anh không phải là trường hợp cá biệt. Rất nhiều phụ huynh ở Trung Quốc đều làm điều tương tự.
"Thời đại này ai cũng làm thế", "Phải theo thôi", "Em còn có thể làm gì khác” là cách vợ Liu hay dùng để lý giải về lịch học nặng nề của con. Liu không trách vợ, nhưng luôn tự hỏi vấn đề ở đây là gì, khi mà con anh và rất nhiều học sinh khác không thể tận hưởng nổi một kì nghỉ hè.
Theo Báo cáo về chất lượng giáo dục đại học của Trung Quốc được công bố ngày 7/4, Trung Quốc có 37 triệu học sinh được nhận vào đại học trong năm nay, tỷ lệ cao nhất thế giới. Đất nước này cũng đang sở hữu 2.852 cơ sở đại học, cao thứ hai trên thế giới. Năm ngoái, tỷ lệ học sinh được nhận vào đại học trên số người cùng độ tuổi (GER) là 40%, tỷ lệ học sinh được nhận trên tổng số hồ sơ nộp vào cơ sở đại học qua kỳ thi đầu vào quốc gia là 74,33%, cao gấp 12,3 lần so với năm 1978.
Liu vào đại học năm 1980, khi tỷ lệ GER mới ở mức 2.2% và tỷ lệ đỗ kỳ thi đầu vào đại học chỉ là 8%. Ở thời điểm đó, vào đại học không phải điều dễ dàng như hiện nay. Tuy nhiên, điều đáng buồn là áp lực học hành, thi cử vẫn còn đó, vẫn đè nặng lên không chỉ học sinh, mà còn cả các bậc phụ huynh.
Phụ huynh học sinh Trung Quốc đều mong con mình được vào học ở những trường tốt nhất. Họ làm mọi cách để đạt được nguyện vọng đó, ngay từ khi con cái bắt đầu bậc mẫu giáo, tiểu học, trung học, phổ thông và theo đà tiến vào đại học. Giữa mỗi cấp học, họ không tiếc tiền đầu tư để con theo học lớp ngoại khoá.
Có cung ắt có cầu. Nhu cầu này đã thúc đẩy ngành dịch vụ dạy thêm phát triển ở Trung Quốc. Trong khi đầu tư không ít vào hệ thống trường công miễn phí, phụ huynh lại trả tiền cho những lớp học thêm.
Theo Shanghai Daily, nhu cầu của phụ huynh lớn đến mức một số trường trở thành "công ty" và luôn có thể cung cấp giáo viên giàu kinh nghiệm. Thậm chí, nhiều phụ huynh còn coi trọng học thêm hơn học chính ở trường vì cho rằng giáo viên ở cơ sở dạy thêm chất lượng hơn. Nếu muốn con vào được trường tốt, họ cho rằng phải cho con học thêm ở đây.