Theo thống kê rà soát của tỉnh Bắc Ninh, hiện địa phương này đã có gần 6.000 căn nhà ở xã hội được hoàn thành. Tuy nhiên chỉ có hơn 3.000 căn được bán ra, còn lại bị “ế” vì không có người đăng ký mua, dù cho nhu cầu của người dân vẫn là rất lớn.
Tại tọa đàm “Hiện thực hóa Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội” diễn ra mới đây, ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh đã nêu lên những vướng mắc lớn nhất của tỉnh này trong việc giúp người thu nhập thấp an cư.
Đầu tiên là về đối tượng người mua bị thu hẹp. Các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại Bắc Ninh thường tập trung ở các khu công nghiệp trên địa bàn các huyện, các xã. Trong quá trình phát triển, người thu nhập thấp ở đô thị nông thôn lại không được phép thuê, mua, đây là thiệt thòi lớn của người dân tại những khu vực đó.
Khó khăn thứ hai là do đặc tính của người lao động. Cụ thể, phần lớn người lao động tại các khu công nghiệp ở Bắc Ninh là công nhân ngoại tỉnh và chủ yếu là những người trẻ. Do tính chất công việc, thói quen sống và tâm sinh lý mà họ không có nhu cầu mua nhà ở. Thay vào đó, họ có mong muốn thuê nhà nhiều hơn.
“Tôi nghĩ sắp tới nếu chúng ta lưu ý phát triển loại hình nhà ở lưu trú thì sẽ phù hợp hơn bởi đây mới chính là loại hình mà các công nhân có nhu cầu nhiều nhất”, ông Dũng cho hay.
Khó khăn thứ ba là về điều kiện mua nhà. Minh chứng là thời gian qua tỉnh Bắc Ninh có 22 dự án nhà ở công nhân, tuy nhiên đa số người lao động lại không đủ điều kiện để mua. Lý do là bởi theo quy định hiện hành, người lao động có lương trên 11 triệu đồng/tháng thì phải nộp thuế thu nhập, dẫn đến không đảm bảo điều kiện mua nhà ở xã hội.
Vậy nhưng theo ông Dũng, kể cả với mức lương trên 11 triệu đồng thì để công nhân có thể mua 1 căn nhà vẫn là rất khó khăn, chưa kể họ còn phải lo các chi phí sinh hoạt, tiền gửi về cho gia đình hàng tháng,... Để giúp người dân an cư, lãnh đạo Sở Xây dựng Bắc Ninh kiến nghị cần xem xét lại những quy định liên quan đến điều kiện thu nhập của người mua.
Khó khăn thứ tư là những vướng mắc liên quan đến quy hoạch. Theo quy định, chỉ tiêu cho phép dự án nhà ở xã hội được tăng mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất gấp 1,5 lần. Tuy nhiên, các chỉ tiêu về hạ tầng xã hội thì lại không quy định. Do đó trong quá trình triển khai quy hoạch gặp rất nhiều vấn đề gây lúng túng.
Cuối cùng, liên quan đến vấn đề thẩm định và giá bán. Hiện giá bán chỉ được thẩm định 1 lần ở giai đoạn đầu. Trong khi tới lúc hoàn thiện dự án vào 3 - 4 năm sau, nhiều yếu tố khác có thể xảy ra như lạm phát, tăng giá nguyên vật liệu, chưa kể lợi nhuận cũng bị khống chế ở ngưỡng 10%. Vậy nhưng việc điều chỉnh giá bán lại không có các quy định hướng dẫn cụ thể.
“Trên cơ sở đó, chúng tôi cũng đã đề xuất Bộ Xây dựng nghiên cứu, xem xét có thể giao xác định giá cả cho địa phương. Khung giá được điều chỉnh hàng năm cũng sẽ là cơ sở thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia nhiều hơn nữa vào đầu tư, xây dựng, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân”, ông Dũng nói.
Theo dự thảo Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, địa phương này dự kiến ưu tiên đầu tư và thu hút đầu tư đối với 7 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích khoảng 27,1ha. Trong đó, có 3 dự án ở huyện Yên Phong, 2 dự án ở TP Bắc Ninh, 2 dự án còn lại ở huyện Quế Võ và huyện Tiên Du.