Thời tiết nồm ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe? | |
Thời tiết giao mùa, trẻ em nhập viện vì bệnh hô hấp tăng nhanh |
Chủ quan với những cơn mưa
Thời tiết thay đổi ngột, mưa liên tục dễ khiến người già bị bệnh viêm phổi. Ảnh minh họa. |
Ông Đặng Văn T. (69 tuổi, ở Cai Lậy - Tiền Giang), nhập Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM trong tình trạng mệt nhiều kèm ho húng hắng. Dịp Tết Đinh Dậu 2017, ông T. cùng con cháu chăm sóc vườn mai. Do thời tiết thay đổi đột ngột, mưa liên tục vào những ngày giáp Tết, buộc ông T và cả nhà phải túc trực liên tục ngoài vườn. Khi gia đình đem hoa Tết ra chợ bán cũng là lúc ông T mệt, cả ngày không ăn uống, ho húng hắng.
Bệnh nhân tự mua thuốc cảm thông thường uống nhưng không đỡ, bệnh diễn tiến nặng hơn, ho nhiều kèm theo khó thở. Đến BV ĐHYD khám, sau khi cho thở oxy khoảng 2 giờ, bác sĩ thông báo phải nhập viện do viêm phổi. Kết quả xét nghiệm và hình chụp X - Quang ngực cho thấy nếu không điều trị kịp thời bệnh dễ bị biến chứng trầm trọng. “Tôi từng bị viêm phổi hồi trẻ và cũng nuôi con bị bệnh nhiều lần, mỗi lần viêm phổi chúng sốt cao lắm”, ông T ngạc nhiên không nghĩ viêm phổi vì không có dấu hiệu sốt.
BS.CKI Nguyễn Viết Hậu - Phó trưởng khoa Cấp cứu (BV ĐHYD) cho biết: “Đây là tình trạng viêm phổi cộng đồng điển hình (Viêm phổi mắc phải ngoài cộng đồng). Ở người lớn tuổi, sức đề kháng giảm, phản ứng của cơ thể với tình trạng nhiễm trùng cũng ít rầm rộ, thường không sốt, không ho đờm nhiều. Đôi khi chỉ là ho ít và ớn lạnh như một cảm cúm thông thường. Điều này dễ làm người bệnh và thân nhân chủ quan”.
Theo PGS.TS.BS Lê Tiến Dũng - Trưởng khoa Hô hấp (BV ĐHYD), thời tiết thay đổi đột ngột, quá nóng hoặc quá lạnh, hay chuyển mùa thường có dịch bệnh nhiễm siêu vi cúm. Sau đó là viêm phổi, thường gặp ở người già, người có nhiều bệnh, sức đề kháng yếu. Đặc biệt, các tỉnh phía Nam trước và sau Tết 2017 có nhiều trận mưa lớn dẫn đến tỉ lệ người nhiễm bệnh tăng cao.
Triệu chứng của bệnh âm thầm, phức tạp nhưng diễn tiến nhanh và có nhiều biến chứng nặng. Việc điều trị cũng khó khăn và lâu dài, do người già thường có các bệnh mạn tính đi kèm. Vì thế, việc phòng bệnh viêm phổi khi thời tiết thay đổi đột ngột rất quan trọng, nhằm ngăn ngừa tối đa mức tăng nặng và biến chứng nguy hiểm gây tử vong.
Cách phòng bệnh viêm phổi
PGS.TS.BS Lê Tiến Dũng đang thăm khám cho một bệnh nhân cao tuổi trong dịp Tết vừa qua. |
Bác sĩ Dũng cũng đã đưa ra 8 cách phòng bệnh viêm phổi khi giao mùa.
- Thứ nhất, cần rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi đại tiện, xì mũi, hắt hơi, trước khi ăn uống.
- Thứ hai, sử dụng nguồn nước sạch hàng ngày, luôn bảo đảm một ngày bổ sung đầy đủ từ 1,5 - 2 lít nước. Việc làm này không chỉ giúp thanh lọc cơ thể mà còn giúp đào thải những độc tố gây hại có nguy cơ phát bệnh viêm phổi.
- Thứ ba, người già nên tránh sử dụng rượu bia, thuốc lá, đây là nguyên nhân gây phá hủy phổi, giảm chức năng hô hấp của cơ thể, đồng thời tăng nguy cơ mắc bệnh lý viêm nhiễm khác.
- Thứ tư nên giữ gìn môi trường xung quanh vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát nhằm khử sạch vi khuẩn, vi rút là mầm mống gây nên bệnh lý hô hấp nhiễm khuẩn, tránh tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi, độc hại.
- Thứ năm nên giữ gìn cơ thể đủ ấm theo tiêu chí ấm về mùa Đông, thoáng mát về mùa Hè, giữ ấm cổ, ngực, bàn chân, bàn tay. Ngoài ra, không nên để bếp lò sưởi ấm trong nhà dễ gây viêm phổi. Về mùa hè, nên để điều hòa ở nhiệt độ thích hợp là 20 - 22 độ C, không nên để thấp quá gây chênh lệch môi trường bên ngoài dễ dẫn tới viêm họng, viêm phổi và gây đột quỵ cho người già.
- Thứ sáu, bổ sung dinh dưỡng phù hợp bằng cách sử dụng các loại rau xanh, trái cây tươi đảm bảo đầy đủ vitamin A, C, E, canxi, khoáng chất, chất xơ có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch.
- Thứ bảy, tiêm phòng vắc-xin cúm hoặc phế cầu trên những người có chỉ định, đặc biệt ở những trường hợp có bệnh phổi mạn , suy tim, cắt lách, tuổi trên 65 nhằm dự phòng bệnh viêm phổi, các chứng viêm nhiễm đường hô hấp ở người già.
- Thứ tám, cần kiểm soát tốt các bệnh lý mạn tính như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, suy tim, tiểu đường.