Mưa trái mùa ‘đuổi’ xâm nhập mặn

Mưa trái mùa đã ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, tuy nhiên các chuyên gia cho biết mưa trái mùa đã khiến nhiều nơi “đuổi” được tình hình xâm nhập mặn.
mua trai mua duoi xam nhap man
Cơn mưa trái mùa vào chiều 16/3 đã khiến nhiều người đi đường bất ngờ. Ảnh Đại Việt

Nhiều cơn mưa trái mùa bất chợt

Chiều 16/3, một cơn mưa trái mùa kéo dài đã trút xuống TP HCM khiến nhiều người dân đang lưu thông trên đường khá bất ngờ.

Theo ghi nhận của chúng tôi, khoảng 13h30 cùng ngày, cơn mưa bắt đầu đổ xuống các địa bàn như: quận Bình Thạnh, quận Phú Nhuận, quận 1, quận 3 và nhiều quận, huyện khác. Đến 14h, mưa bắt đầu nặng hạt dần và đến 14h30 thì hết mưa.

Chị Phương (ngụ quận 5) cho biết, chị đang đi làm ở quận Bình Thạnh, bất ngờ cơn mưa lớn ập đến nên chị cảm thấy rất lạ lẫm, bởi trước đó trời vẫn nắng to.

Trước đó, nhiều cơn mưa trái mùa đã liên tục đổ xuống TP HCM kể từ sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, trong đó có hai cơn mưa lớn vào ngày 2/2 và 19/2.

Theo Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, khu vực Nam Bộ đang nằm trong pha trung tính giai đoạn El Nino chuyển sang La Nina, nên thời gian này mưa trái mùa sẽ kéo dài trong mùa khô. Nam Bộ vừa trải qua thời kỳ El Nino kéo dài lịch sử từ những tháng cuối năm 2014 đến nửa đầu năm 2016. Vì vậy, mùa khô năm 2015 và 2016, tình trạng hạn mặn xảy ra nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn, nhất là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Sau đợt El Nino kéo dài là một giai đoạn được gọi là pha trung tính trước khi chuyển sang thời kỳ La Nina. Trong giai đoạn pha trung tính, mùa mưa kéo dài, lượng mưa cao, thường xuyên xảy ra mưa trái mùa trong mùa khô.

Theo số liệu tổng hợp, trong tháng 1 và tháng 2/2017, mưa trái mùa xảy ra trên diện rộng tại khu vực Nam Bộ, kéo dài từ tỉnh Bình Phước đến Cà Mau, lượng mưa trung bình có khi lên đến 100mm. Dự báo trong tháng 4/2017, mưa trái mùa vẫn còn khả năng xảy ra tại khu vực Nam Bộ nhưng ít hơn về lượng mưa và diện hẹp hơn.

mua trai mua duoi xam nhap man
Mặc dù là mưa trái mùa nhưng nhiều cơn mưa có lượng mưa lớn, kéo dài hàng giờ đồng hồ. Ảnh Đại Việt

Mưa trái mùa ‘đuổi’ mặn

Mưa trái mùa trong mùa khô ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân, tuy nhiên, những cơn mưa này đã mang đến nhiều lợi ích đáng kể.

Theo Bộ Tài nguyên Môi trường, tại Đồng bằng sông Cửu Long, mưa trái mùa làm tình hình xâm nhập mặn được giảm đáng kể, độ mặn trung bình đã thấp hơn rất nhiều so với mùa khô năm 2015, 2016, nhất là ở khu vực Bến Lức trên sông Vàm Cỏ. Đặc biệt, ở cống sông Hòa, tỉnh Tiền Giang (cống chủ lực lấy nước cho vùng ngọt hóa Gò Công), độ mặn chưa đến 1g/l.

Mưa trái mùa kéo dài tạo nguồn nước lớn cho Đồng bằng sông Cửu Long. Lưu lượng nước đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu tại Tân Châu (tỉnh An Giang) dự báo sẽ cao gần gấp đôi so với lưu lượng nước năm 2016.

Theo bản tin dự báo mặn vùng hạ lưu sông Nam Bộ của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, tại TP.HCM, độ mặn đo được cao nhất đầu tháng 3 tại trạm Nhà Bè trên sông Đồng Điền là 10,9 g/l.

Trong khi đó, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, độ mặn cao nhất đo được tại trạm Cà Mau trên sông Gành Hào (tỉnh Cà Mau) là 22,9 g/l, xếp sau đó là tại trạm Trần Đề trên sông Hậu (tỉnh Sóc Trăng) là 20,3 g/l.

Độ mặn thấp nhất đo được tại trạm Tân An trên sông Vàm Cỏ Tây (tỉnh Long An) là 0,3 g/l, thấp thứ nhì đo được tại trạm Gò Quao trên sông Cái Lớn tỉnh Kiên Giang là 1,7 g/l.

mua trai mua duoi xam nhap man
Người dân bị ảnh hưởng đến cuộc sống vì mưa trái mùa, tuy nhiên, những cơn mưa này đang khống chế tình hình xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt tại khu vực phía Nam. Ảnh Đại Việt

Để ứng phó lâu dài với hạn mặn tại Nam Bộ, một số chuyên gia đã đề xuất thực hiện hồ trữ nước. Ví dụ tại TP.HCM có thể tận dụng các hồ thoát lũ của hành lang thoát lũ Láng The (huyện Củ Chi) để làm hồ trữ nước.

Trong mùa mưa, các hồ làm nơi thoát lũ cho thành phố. Vào mùa khô các hồ trở thành nơi trữ nước để cung cấp nước cho nhà máy nước Tân Hiệp cũng như cấp nước phục vụ công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ trên địa bàn thành phố.

Dọc theo các con sông có thể tận dụng khu vực có diện tích rộng để xây dựng hồ trữ nước phục vụ các nhà máy nước trong trường hợp hạn mặn. Lợi ích của giải pháp xây dựng hồ trữ nước là chủ động được nguồn nước khi cần trong mùa khô, đồng thời, nước được trữ trong hồ sẽ tự lắng lọc, giúp ngành cấp nước TP HCM giảm một phần chi phí xử lý.

Về kế hoạch ứng phó với tình hình xâm nhập mặn trên sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, nếu tình hình xâm nhập mặn xảy ra nghiêm trọng, ngành cấp nước TP HCM sẽ phối hợp với Ban Quản lý hồ Dầu Tiếng, hồ Trị An thực hiện kế hoạch xả nước hồ tiếp nước cho dòng chảy của hai sông này cũng như “đuổi mặn”.

chọn
Toàn cảnh vị trí dự kiến xây cầu vượt sông Luộc nối Hải Dương - Thái Bình
Một cầu vượt sông Luộc dự kiến được xây dựng kết nối huyện Thanh Miện, Hải Dương và huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình.