Vũ Thị Phương Ánh đang sinh sống tại London và làm mẹ toàn thời gian. Mặc dù không bao giờ tự nhận mình là một hot mom nhưng những chia sẻ của chị về nuôi dạy con luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều bà mẹ.
Phương Ánh khẳng định xây dựng tính tự giác cho con không phải là chuyện ngày một ngày hai, đòi hỏi cha mẹ phải luôn kiên nhẫn, kiên định, kiên trì. Dạy trẻ từ việc cá nhân như dọn đồ chơi, đánh răng 2 lần mỗi ngày mà không cần nhắc nhở, ngồi vào bàn học đúng giờ... đến những việc gia đình như rửa chén, giặt đồ, nấu ăn, dọn dẹp phòng riêng...
Vũ Thị Phương Ánh |
1. Xây dựng cho trẻ routine - chuỗi công việc cố định theo thời gian và lặp lại mỗi ngày
Ví dụ buổi sáng thức dậy, gấp chăn gối, rửa mặt, đánh răng, mở tủ lạnh chọn đồ ăn (nếu là những món đơn giản như pizza, bánh mì, bé sẽ tự bỏ vào lò nướng, còn không mẹ sẽ giúp chuẩn bị), rửa tay, bày bữa sáng, ăn sáng, dọn bàn ăn, rửa chén, đánh răng, chọn quần áo (nếu là áo gài nút thì tự mặc, còn lại thì nhờ mẹ giúp)....
“Khi chuỗi công việc này đã thành thói quen, bố mẹ không cần phải nhắc nhở đến lần thứ 3 những việc con phải làm. Bé làm xong một việc sẽ tự đặt câu hỏi rằng tiếp theo sẽ làm gì và tự biết thu xếp cho công việc đang làm hỗ trợ cho công việc tiếp theo diễn ra một cách nhanh chóng. Ngược lại, nếu không có nếp sinh hoạt hoặc sống trong một gia đình không có nếp sinh hoạt, trẻ sẽ lệ thuộc vào người lớn nhắc nhở, hình thành tâm lý ỷ lại, trì hoãn”, bà mẹ một con chia sẻ.
Cậu con trai của chị Ánh. |
2. Muốn trẻ tự giác hãy hạn chế thưởng phạt
Tự giác thì không bao giờ có điều kiện kèm theo. Một đứa trẻ chỉ làm khi biết sẽ bị bố mẹ phạt hay thưởng quà khác biệt hoàn toàn một đứa trẻ biết rõ lý do vì sao phải tự làm công việc đó. Kết quả, chất lượng đến thái độ làm việc đều khác nhau. Nếu phụ huynh muốn con rửa chén thì không bao giờ nói những câu như: “Con rửa xong mẹ sẽ dẫn đi chơi” hoặc “Con không rửa thì hôm nay phải ở nhà”.
Phương Ánh khẳng định với trẻ nhỏ (dưới 6 tuổi) càng ít thưởng phạt, con càng nhận thức tốt. Cha mẹ thể khơi gợi động lực qua những câu chuyện về tấm gương tự giác.
3. Nếu muốn nhắc nhở trẻ, đừng sử dụng những câu mệnh lệnh
“Trẻ không thích nghe những câu như “dọn đồ chơi đi” hay “mang giày vào ngay”. Thay vào đó bố mẹ nên nói những câu gợi mở như: “Bạn đồng hồ reng reng để nhắc mình làm gì vậy ta?” hoặc “trước khi ăn mình phải làm gì nhỉ”... Nếu lặp lại 3 lần cùng một câu nói mà trẻ không hề nhúc nhích thì có nghĩa là bạn cần phải thay đổi thái độ hoặc nội dung câu nói”, bà mẹ này bày tỏ.
Bộ đồ bé đang mặc là do cậu tự chọn, phối kết hợp với nhau. |
4. Đừng quá cứng nhắc trong cách thức làm việc của con
Trẻ thường tự tìm một cách thức thú vị để thực hiện một công việc nhàm chán. Người lớn nên tôn trọng điều đó, đừng vội vàng kết luận bé không biết làm và ép làm theo ý mình. Điều này gây chán nản cho trẻ và đừng hỏi tại sao lần sau con không thích làm việc đó nữa.
5. Người lớn ơi, hãy làm gương đi!
Phương Ánh tâm sự, chính bản thân chị cũng không tránh được những lúc lười biếng không muốn rời khỏi giường sau khi thức dậy, đặc biệt là mùa đông. Nhưng chị luôn tâm niệm rằng phải luôn làm gương cho con. Muốn trẻ tự giác thì cha mẹ phải tự giác hoàn thành những công việc của bản thân.
“Dù cho tại thời điểm đó, trẻ không nhìn thấy nhưng chúng có thể cảm nhận được năng lượng tích cực từ người lớn. Cha mẹ không phải là người truyền đạt kiến thức cho con mà truyền cảm hứng để con tự tìm tòi học hỏi. Hãy sống sao để luôn là nguồn cảm hứng cho con”, chị chia sẻ.
Các hoạt động theo độ tuổi mà trẻ làm được: Trẻ từ 3 đến 4 tuổi: - Tự mặc đồ. - Tự đánh răng (được người lớn đánh lại) - Dọn giường (không cần quá ngăn nắp) - Chuẩn bị bữa sáng đơn giản. - Rửa chén sau khi ăn. - Dọn đồ chơi. - Phân biệt các mệnh giá tiền. Trẻ từ 5 đến 6 tuổi: - Dọn bàn ăn trước và sau khi ăn. - Tự làm bữa trưa. - Tự lấy quần áo đã phơi và gấp lại, cất vào tủ. - Tự quản lý tiền tiêu vặt. Trẻ từ 7 đến 8 tuổi: - Thức dậy với đồng hồ báo thức. - Học và thực hành tốt quy tắc ứng xử trên bàn ăn. - Tự chải tóc và cắt móng tay móng chân. - Tự chăm sóc thú nuôi trong nhà như chó, mèo. - Bắt đầu học và tự quản lý thời gian. - Tự trả giá khi mua đồ. - Tự đi bộ một mình ở khu vực xung quanh nhà. - Tự nấu ăn từ sách hướng dẫn đơn giản. - Tự tắm. Trẻ từ 9 đến 10 tuổi: - Nấu ăn một cách độc lập. - Tự ở nhà một mình trong khoảng thời gian ngắn. - Tự mở tài khoản ngân hàng và quản lý nó. - Tự viết lời cảm ơn ai đó. - Tự làm bài tập về nhà. - Tự ủi (là) quần áo. - Phân loại rác và tự vứt rác giúp gia đình. Trẻ từ 11 đến 13 tuổi: - Quét sân. - Bắt đầu sử dụng internet. - Tự ở nhà 1 mình khoảng thời gian dài hơn. - Chăm sóc được em gái hoặc em trai. - Học về đầu tư tiền. Trẻ từ 14 đến 18 tuổi: - Tự viết đơn xin việc - Học kỹ năng phỏng vấn và bắt đầu các công việc bán thời gian. - Tự quản lý thu nhập và các nguồn thuế. - Tự quản lý lịch trình bản thân. - Tự đi chợ và nấu ăn cho cả gia đình. - Học lái xe. - Biết tự bảo dưỡng xe máy và hiểu các cơ chế hoạt động cũng như các linh kiện đơn giản trong xe. - Tự định hướng nghề nghiệp và chọn trường sau cấp 3. |
XEM THÊM
Cha mẹ Nhật cho phép con sai lầm để rèn tính tự lập
Có lẽ, ít nơi nào trên thế giới áp dụng cách dạy con như của cha mẹ Nhật. Để tạo nên một đứa trẻ tự ... |
Dạy trẻ màu sắc và hình khối qua những hoạt động đơn giản
Với học liệu đơn giản, dễ kiếm, bố mẹ có thể dạy trẻ nhận biết màu sắc và hình khối dễ dàng. Các hoạt động ... |
Ths tâm lý Phương Hoài Nga: 'Nói sao cho trẻ chịu nghe, nghe sao cho trẻ chịu nói?'
Câu nói “bố mẹ đặt đâu con ngồi đấy” dường như đã "xưa như trái đất", khi những em bé độc lập thời hiện đại ... |
Có sự thiên vị giữa các con trong một gia đình của bố mẹ hay không?
Chuyện bố mẹ thiên vị đứa con này với đứa con khác trong một nhà thường để lại hậu quả khôn lường. |
TS Vũ Thu Hương: 11 sai lầm của bố mẹ hủy hoại cá tính của con
Liệu chúng ta có hủy hoại cá tính của con? Con của chúng ta có còn là chính nó sau quá trình dạy dỗ của ... |