Theo ông Lê Hồng Sơn, năm 2019, Sở GD&ĐT TP.HCM sẽ triển khai thí điểm sách giáo khoa riêng. Việc biên soạn do những chuyên gia, nhà trí thức cấp cao thực hiện.
Sáng 6/12, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn trả lời chất vấn đại biểu HĐND xoay quanh chủ đề về quản lý giáo dục, bạo hành trẻ em.
Đại biểu Trương Lê Mỹ Ngọc đề nghị lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết về kế hoạch xây dựng bộ sách giáo khoa riêng cho TP.HCM, sau khi được Bộ GD&ĐT cho phép.
Bà Ngọc nêu câu hỏi: Quốc hội có Nghị quyết lùi thời gian thực hiện lộ trình sách giáo khoa phổ thông, thành phố có được phép tiếp tục biên soạn sách giáo khoa riêng không?
Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn. Ảnh: Trương Khởi.
Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM trả lời năm 2016, Bộ GD&DT có công văn cho phép sở phối hợp NXB Giáo dục thực hiện bộ sách giáo khoa riêng.
Sở GD&ĐT đang chuẩn bị về nhân lực, có đủ chuyên gia, nhà trí thức cao cấp đứng đầu cả nước, định hướng đổi mới. Mọi dữ liệu được chuẩn bị sẵn, chờ Bộ GD&ĐT phê duyệt chính thức.
Thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội, Bộ GD&ĐT tiếp tục đồng ý cho TP.HCM triển khai bộ sách giáo khoa riêng. Ông Sơn cho hay năm 2019 sẽ triển khai thí điểm, sau đó đánh giá lại rồi mới ban hành chính thức.
Trước đó, phát biểu tại Hội nghị Đánh giá kế hoạch kết quả phối hợp công tác pháp chế giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Tư pháp năm 2017 nhằm hoàn thiện pháp chế về giáo dục diễn ra tại Hà Nội, TS Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, cho biết sắp tới, dự thảo Luật Giáo dục Đại học sẽ đề cập một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa.
TS Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT. Ảnh: Quyên Quyên.
TS Chuẩn cho hay trước đây, chúng ta chỉ thực hiện một chương trình một bộ sách giáo khoa. Việc thay đổi này thể hiện sự dân chủ trong phát triển sách giáo khoa và tư liệu dạy học cho tất cả cấp học. Điều đó sẽ phát huy được trí tuệ tập thể, tạo điều kiện cho học sinh tiếp xúc nhiều nguồn thông tin khác nhau.
Chủ trương này khi thành luật sẽ được thể hiện cụ thể như thông tư hướng dẫn. Trong đó, Bộ GD&ĐT đã triển khai hàng loạt quy định về đánh giá chương trình.
Việc đánh giá, thẩm định sách giáo khoa cũng sắp có thông tư đi kèm do thứ trưởng GD&ĐT ký. Thời gian tới, việc lựa chọn, biên soạn sách giáo khoa do địa phương thực hiện sẽ có thông tư cụ thể.
TS Vũ Đình Chuẩn thông tin thêm lâu nay, việc đánh giá chủ yếu tập trung kiến thức kỹ năng. Chương trình mới sẽ quy định đánh giá phẩm chất năng lực của học sinh. Điều này đảm bảo hội nhập quốc tế và tính hiệu quả của chương trình giáo dục phổ thông.
Theo Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học, sửa đổi luật lần này sẽ tạo điều kiện cho giáo dục phổ thông phát triển, phân luồng, tạo cơ sở cho giáo dục suốt đời để bước vào cách mạng 4.0. Trong chương trình mới, sau khi học xong giáo cơ bản đến hết lớp 9, học sinh sẽ đi theo các luồng khác nhau như lao động sản xuất hoặc tiếp tục học tập.