CTCP Đầu tư Nam Long (mã chứng khoán: NLG) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2023, theo đó, doanh thu thuần hợp nhất đạt 235 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu trong quý phần lớn được đóng góp từ doanh thu bán nhà ở và căn hộ, chiếm 74% tổng doanh thu của quý song giảm so với cùng kỳ.
Biên lợi nhuận gộp tăng từ 42,6% cùng kỳ lên mức 68% trong quý I.
Trong quý, Nam Long có thêm 45,8 tỷ đồng doanh thu tài chính, chủ yếu từ lãi tiền gửi ngân hàng và lãi cho vay, công ty cũng có thêm phần lãi 78,3 tỷ đồng từ công ty liên doanh, liên kết. Các khoản lãi này đều tăng so với cùng kỳ.
Ngược lại, công ty không có khoản thu nhập từ thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại 10 tỷ đồng như cùng kỳ năm trước.
Kết quả, Nam Long lãi sau thuế 16,2 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 6,8 tỷ đồng, cao gấp 11 lần cùng kỳ, còn lợi nhuận sau thuế của cổ đông không kiểm soát là 9,4 tỷ đồng, giảm 71%.
Theo kế hoạch kinh doanh năm nay mà Nam Long dự kiến trình tại Đại hội đồng cổ đông sắp tới, mục tiêu lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 586 tỷ đồng. Như vậy, hiện doanh nghiệp đã thực hiện được 1,2% kế hoạch.
Tại thời điểm cuối quý I, tổng tài sản của Nam Long đạt 27.264 tỷ đồng, tăng gần 200 tỷ đồng so với đầu năm.
Trong đó, hàng tồn kho chiếm tỷ lệ lớn nhất với giá trị gần 15.612 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm (tương đương tăng thêm hơn 780 tỷ đồng), chủ yếu tăng bất động sản dở dang tại hai dự án Izumi, Southgate. Đây cũng là hai dự án có tồn kho lớn nhất của Nam Long, giá trị lần lượt đạt 8.628 tỷ đồng và 3.663 tỷ đồng.
Khoản người mua trả tiền trước tại thời điểm cuối quý I cũng tăng gần 11% so với đầu năm, đạt 3.617 tỷ đồng, đến từ các khách hàng có nhu cầu mua căn hộ, nhà phố, biệt thực và đất nhưng chưa nhận bàn giao. Nam Long không cho biết cụ thể là sản phẩm từ dự án bất động sản nào.
Trong 3 tháng đầu năm, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của Nam Long âm hơn 347 tỷ đồng, chủ yếu do khoản chi để tăng hàng tồn kho. Qua đó, tiền và khoản tương đương tiền tại thời điểm cuối quý I giảm 9% so với đầu năm, còn 3.426 tỷ đồng, phần lớn là các khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn gốc dưới ba tháng, lãi suất dao động từ 4 - 6%/năm.
Ngoài ra, Nam Long cũng có 855 tỷ đồng tiền gửi tại các ngân hàng thương mại có kỳ hạn gốc trên 3 tháng đến dưới 12 tháng, lãi suất dao động từ 4,35 - 11%/năm. Đây là khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của doanh nghiệp, giảm hơn 130 tỷ đồng so với đầu năm, tương đương mức giảm 13%.
Trong quý, ngoài dòng tiền từ giảm các khoản phải thu, tiền thu hồi cho vay, bán lại công cụ nợ, dòng tiền vào Nam Long chủ yếu đến từ hoạt động tài chính với hơn 887 tỷ đồng từ đi vay, cao gấp 1,75 lần con số đi vay cùng kỳ.
Ngược lại, công ty cũng chi gần 472 tỷ đồng để trả nợ gốc vay, thấp hơn phân nửa so với con số cùng kỳ.
Tại thời điểm cuối quý I, tổng dư nợ tài chính của Nam Long ở mức 5.605 tỷ đồng, tăng 8,2% so với đầu năm và chiếm hơn 20% trong tổng nguồn vốn doanh nghiệp. Trong đó, dư nợ trái phiếu là 3.025 tỷ đồng, tăng 0,4% so với đầu năm, gồm gần 450 tỷ đồng là trái phiếu dài hạn đến hạn trả và 2.575 tỷ đồng là trái phiếu dài hạn đến từ 4 lô trái phiếu. Một lô trị giá 450 tỷ đồng sẽ đáo hạn vào tháng 6 tới đây.