Nam sinh Quảng Trị thiết kế mô hình nhà vệ sinh tự động

Mô hình nhà vệ sinh trường học tự động do nam sinh cấp 3 thiết kế có những ưu điểm như tính tự động hóa cao, tiết kiệm điện, nước, nhân công chùi rửa, giảm mùi hôi trong phòng vệ sinh.
 

Đó là mô hình nhà vệ sinh trường học tự động HKH của em học sinh Hoàng Kim Hiếu (trường THPT Vĩnh Linh, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị). Mới đây, đề tài đã giành giải Ba cuộc thi Sáng tạo trẻ tỉnh Quảng Trị năm 2017.

Chia sẻ về ý tưởng, Hiếu cho biết, khi đi vệ sinh, các bạn học sinh không chịu xả nước khiến cho nhà vệ sinh trở nên hôi hám, do khí Amoniac thoát ra và tích tụ trong phòng.

“Ngoài ra, nhà vệ sinh luôn được bật đèn 24/24h rất lãng phí điện. Để bảo vệ sức khỏe và nâng cao nhận thức của các bạn, em đã nghiên cứu và làm ra mô hình trong thời gian khoảng 2 tháng”, Hiếu nói.

nam sinh quang tri thiet ke mo hinh nha ve sinh tu dong
Hoàng Kim Hiếu (trường THPT Vĩnh Linh, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Khải Tuấn.

Mô hình nhà vệ sinh trường học tự động HKH có những ưu điểm như tính tự động hóa cao, tiết kiệm điện, nước, nhân công chùi rửa, giảm mùi hôi trong phòng vệ sinh.

Theo Hiếu, điểm mới của nhà vệ sinh này là có 4 hệ thống mà các nhà vệ sinh trường học không có. Đó là hệ thống tự bật đèn khi có người sử dụng và tự tắt đèn; hệ thống tự bật hệ thống thông khí Amoniac; hệ thống ngắt và báo khi nước đầy bồn và hệ thống tự động xả nước khi đi vệ sinh xong.

Để thực hiện các điểm mới đó, chàng học sinh cấp 3 này đã sử dụng hệ thống cảm biến tia hồng ngoại, cảm biến nước và hệ thống dây dẫn tự thiết kế… Em đã tự nghĩ ra các mạch điện trong quá trình học nghề môn điện.

Khi được hỏi về những khó khăn trong quá trình nghiên cứu, Hiếu cho biết, em gặp khó khăn về vật chất, tìm kiếm vật liệu, cả kiến thức và áp lực học tập. Nhưng rồi, niềm đam mê và sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè đã giúp em vượt qua những khó khăn đó để tạo ra được mô hình.

Mô hình nhà vệ trường học tự động có nguyên lý như sau, khi có người bước vào nhà vệ sinh, cảm biến chuyển động sẽ tiếp nhận và truyền thông tin này vào bộ xử lý để bật đèn sáng, đồng thời bật luôn hệ thống thông khí Amoniac.

Khi người dùng bước đến bồn cầu và sử dụng, cảm biến tiệm cận sẽ tiếp nhận thông tin và truyền về bộ xử lí, nước sẽ được xả vào bồn chứa nước nhỏ, khi nước chảy vào bồn chứa nước nhỏ với một thể tích nhất định, van sẽ tụ ngắt nhờ vào cảm biến nước giúp tiết kiệm nước.

“Khi người dùng sử dụng xong nhà vệ sinh, van điện từ 2 được bật (van điện từ 1 đóng), nước được xả ra bồn vệ sinh, đồng thời tắt luôn đèn và hệ thống thông khí Amoniac”, Hiếu trình bày thêm.

Theo tìm hiểu, tính sáng tạo của 4 hệ thống là đều tự động điều khiển bằng các cảm biến đơn giản, giúp thoát khí Amoniac, tạo cảm giác dễ chịu cho học sinh khi sử dụng. Ngoài ra, còn giúp trừ khử mùi hôi tận gốc, nâng cao ý thức cho học sinh, tiết kiệm nguồn nước sạch, tiết kiệm điện do đó giúp tiết kiệm tiền và bảo vệ môi trường. Ngăn chặn sự xâm nhập của vết ố do không xả nước, tiết kiệm thời gian chùi rửa bồn cầu.

nam sinh quang tri thiet ke mo hinh nha ve sinh tu dong
Hiếu bên nhà vệ sinh tự động của mình. Ảnh: NVCC.

Mô hình có khả năng áp dụng cao vào cuộc sống, đồng thời hệ thống tự dội nước có thể áp dụng vào một số công việc tự động khác trong nhà vệ sinh như xả nước rửa tay tự động…

Theo Hiếu, mô hình khi áp dụng vào đời sống sẽ giải quyết rất nhiều vấn đề. Điển hình như giải quyết vấn đề e ngại khi đi vệ sinh của các bạn học sinh, tạo một môi trường học đường sạch sẽ, trong lành; hệ thống tự xả nước giúp tiết kiệm nguồn nước sạch khá lớn. Hệ thống tự bật/tắt đèn sẽ tiết kiệm điện, hệ thống tự động xả nước giải quyết vấn đề vết ố đeo bám trên bồn cầu, đồng thời nhân công chùi rửa sẽ thoải mái hơn.

Để sử dụng, đầu tiên, bạn cắm phích cắm để cung cấp điện cho nhà vệ sinh. Sau đó, bạn bơm nước lên bồn bằng cách cung cấp nước cho ống hút rồi nhấn công tắc. Khi đầy, hệ thống tự ngắt và báo tín hiệu ngắt công tắc. Khi các cảm biến ổn định, bạn đưa tay vào cửa hoặc tới trước nhà vệ sinh thì đèn sẽ sáng, hệ thống thông khí Amooniac được bật.

Sau đó, bạn đưa bàn tay sát tới bồn cầu và giữ trong khoảng 30s, nước sẽ nạp vào bể chứa nhỏ và khi bạn đưa tay ra, nước sẽ được xả và đèn sẽ tắt.

Dự định, sắp tới Hiếu sẽ cải tiến dần dần để có thể áp dụng trong trường học, qua đó nâng cao nhận thức cho học sinh.

Thầy Lê Anh Quang (Giáo viên phụ trách mảng nghiên cứu khoa học trường THPT Vĩnh Linh) cho biết, Hiếu là học sinh đam mê nghiên cứu khoa học, sản phẩm của em có ý nghĩa thực tiễn, có thể áp dụng vào đời sống.

nam sinh quang tri thiet ke mo hinh nha ve sinh tu dong Chàng trai khiếm thị chinh phục tấm bằng Cử nhân loại Giỏi ngành kinh doanh

Với thị lực chỉ 20%, Nguyễn Tuấn Tú (24 tuổi, ngụ TP HCM) đã vượt qua nhiều khó khăn trong học tập tại ĐH RMIT ...

chọn
Cầu Bến Mới nối Nam Định - Ninh Bình sau 2 năm thi công
Cầu Bến Mới dự kiến tạo một trục kết nối giao thông hoàn chỉnh giữa các khu di tích Đền Trần, Phủ Dầy của tỉnh Nam Định và quần thể danh thắng Tràng An, Bái Đính của tỉnh Ninh Bình, tạo thêm động lực phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương.