Đó là lời khuyên của các chuyên gia tại buổi tọa đàm bình đẳng giới trong việc lựa chọn ngành nghề do trường ĐH Thành Đô tổ chức.
Theo GS. NGƯT Vương Tiến Hòa, đối với ngành công nghệ, các nữ sinh đừng có tự mình đánh giá thấp giá trị của mình. Những người Việt Nam sang Mỹ làm việc ở thung lũng silicon làm cố vấn cấp cao cũng là phụ nữ.
ThS. Hà Thị Vân Khánh, Chuyên gia bình đẳng giới, Điều phối viên dự án quốc gia, Văn phòng UN-ACT Việt Nam cho rằng sinh viên đừng chọn ngành nghề theo số đông. Cũng đừng chọn ngành nghề theo những ngành đang được cho là hot ở xã hội. Hãy chọn theo năng lực, đam mê. “Làm việc hay học tập mà có sự đam mê thì dù việc nhỏ hay việc to đều vượt qua. Còn làm không có sự đam mê thì kể cả việc cỏn con cũng hỏng” – ThS. Khánh Vân nhấn mạnh.
Lấy ví dụ từ bản thân mình, ThS. Khánh Vân cho hay thời chị học ĐH, cả xã hội đổ xô vào các trường hot là Ngân hàng, Ngoại thương. Sau này nhiều bạn không làm đúng ngành, thậm chí thất nghiệp vì quá tải cung cầu, trong khi có bạn học trung cấp về ô tô thì sau 20 năm ra trường bạn ấy là quản lý cấp cao của một hang ô tô nổi tiếng. Vì thế, không phải cứ theo trào lưu hay số đông là thành công sau này ngoài đời.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT cũng có chính sách hướng nghiệp từ cấp THPT. Nhiều học sinh tốt nghiệp xong THPT lựa chọn theo trường nghề.
“Tôi nhắc lại, lựa chọn ngành nghề nên theo năng lực, theo đam mê, Chứ không phải cứ con gái học giáo viên, con trai học bác sĩ. Không phải, đấy là định kiến xã hội. Một điều đáng buồn là bây giờ chưa thấy nhiều nam sinh lựa chọn học mầm non” – ThS. Hà Thị Khánh Vân nói.
Cũng tại buổi tọa đàm, để giúp cho các bạn sinh viên hình dung và hiểu rõ hơn về luật bình đẳng giới, bà Trần Thị Phương Nhung, chuyên gia tư vấn các vấn đề về giới và giáo dục của văn phòng UNESCO Hà Nội, đã nói rõ về nội dung Luật bình đẳng giới và sự cần thiết của Luật.
Bà nhấn mạnh “Bình đẳng giới là nam và nữ đều được tiếp cận với giáo dục, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập, tham gia vào các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị,...
Bình đẳng giới có nghĩa rằng không còn sự phân biệt đối xử trên cơ sở giới tính, phụ nữ và nam giới cùng có địa vị bình đẳng trong xã hội. Bình đẳng không có nghĩa là nam giới và phụ nữ hoàn toàn như nhau mà là các điểm tương đồng và khác biệt giữa họ được thừa nhận và tôn trọng.”