Nâng cấp sân đỗ cảng hàng không Cam Ranh đón tàu bay lớn

Cienco4 cùng các nhà thầu trong liên danh đã ra quân triển khai dự án cải tạo, nâng cấp sân đỗ Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh vào chiều ngày 3/3. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác vào tháng 3/2023.

Chiều 3/3, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã tổ chức lễ ra quân triển khai Gói thầu số 6 "Thi công xây dựng công trình" thuộc dự án cải tạo, nâng cấp sân đỗ máy bay hiện hữu Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh.

Gói thầu có giá trị hơn 650 tỷ đồng, thời gian thi công trong vòng 12 tháng do Tập đoàn Cienco4 cùng ba nhà thầu khác trong liên danh là: Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Tổng công ty Xây dựng công trình hàng không (ACC) và CTCP Xây lắp và Cơ khí Phương Nam thực hiện.

Nâng cấp sân đỗ cảng hàng không Cam Ranh đón tàu bay lớn - Ảnh 1.

Nhà ga hành khách quốc tế, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh. (Ảnh: khanhhoa.gov.vn).

Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh cho biết với lợi thế về vị trí địa lý và du lịch của tỉnh địa phương, những năm qua, cảng hàng không quốc tế Cam Ranh luôn có tần suất hoạt động cao, mức độ tăng trưởng hành khách lớn.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, thời gian qua, cảng hàng không quốc tế Cam Ranh đã được Chính phủ, tỉnh Khánh Hòa đặc biệt quan tâm đầu tư nâng cấp đường cất hạ cánh số 2, nhà ga quốc tế T2, sân đỗ trước nhà ga quốc tế T2.

Riêng sân đỗ máy bay hiện hữu tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh được quân đội Mỹ xây dựng từ giai đoạn năm 1965 - 1966, trải qua hơn 50 năm khai thác, toàn bộ các tấm bê tông trên sân đỗ máy bay đã bị lão hóa, xuất hiện nhiều hư hỏng ảnh hưởng đến an toàn khai thác.

Để đồng bộ khai thác về kết cấu hạ tầng hàng không đã UBND tỉnh đầu tư, đồng thời đáp ứng nhu cầu khai thác ngày càng phát triển tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, ngày 23/7/2020, ACV đã có quyết định phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp sân đỗ máy bay.

Quy mô sân đỗ sau khi hoàn thành khai thác tối đa 33 vị trí đỗ máy bay gồm 9 vị trí đỗ Code E, 2 vị trí đỗ Code D và 22 vị trí đỗ Code C, đảm bảo tiếp thu được các loại máy bay B777-300ER, A350-900 và tương đương.

"Dự án sẽ góp phần tạo động lực phát triển kinh tế, du lịch của tỉnh Khánh Hòa. Việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng cảng hàng không quốc tế Cam Ranh cũng góp phần nâng cao năng lực khai thác các mạng đường bay trong cả nước, tạo cơ hội kết nối các vùng miền đến với Khánh Hòa", ông Quân chia sẻ.

Theo kế hoạch, công trình cải tạo, nâng cấp sân đỗ Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh" được phân chia thành ba giai đoạn nhằm đáp ứng được yêu cầu vừa thi công, vừa khai thác.

Cụ thể, giai đoạn 1 thi công khu vực bến đỗ số 56 đến bến đỗ số 71, 1/2 đường công vụ A7 và 2/3 đường công vụ A11 (Trừ đường công vụ từ cổng 1A đến 1/2 nhà ga hành khách T1).

Giai đoạn 2 thi công khu vực bến đỗ số 35 đến bến đỗ số 36, 41, 42 (trừ đường công vụ A1 tiếp giáp nhà ga T2).

Giai đoạn 3 chia thành hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 3A thi công phần sân đỗ phía Tây khu vực bến đỗ số 37, bến đỗ số 51 đến bến đỗ số 55 và 1/2 đường công vụ A7 còn lại tiếp giáp nhà ga T1, đường công vụ A1 tiếp giáp nhà ga T2.

Giai đoạn 3B thi công phần sân đỗ còn lại phía đông khu vực bến đỗ số 37 và bến đỗ số 51 đến bến đỗ số 55.

Công tác thi công sẽ triển khai xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ bao gồm: hệ thống thoát nước, đèn hiệu, chiếu sáng, tiếp địa, neo máy bay... đảm bảo khai thác đồng bộ với sân đỗ nâng cấp, cải tạo.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.