Nền giáo dục đụng đâu cũng thấy 'hoảng'

Thực trạng “ra ngõ gặp sinh viên” gây ra cái hệ lụy, đó là số cử nhân ra trường thất nghiệp ngày càng tăng. Nhiều cử nhân khi xin làm công nhân không dám chìa bằng đại học ra vì sợ sẽ bị loại.

Cách đây mấy hôm, cô bạn học cùng cấp 3 ngày xưa với tôi “chat” trên Facebook, hỏi: “Cậu làm nhà báo, có kiếm được “cửa” nào để sửa học bạ cấp 1 cho học sinh không?”. Tôi ngạc nhiên và hỏi lại: “Lại còn có cái “trò” đó à? Bạn hỏi thật hay đùa đấy?”.

Trước câu hỏi ngây ngô của tôi, cô bạn gửi cho cái hình mặt cười rồi chua thêm một câu: “Cậu làm báo mà lạc hậu quá. Cái trào lưu sửa học bạ, chạy giải thưởng, làm hồ sơ đẹp để xét tuyển vào các trường điểm nó có từ lâu rồi. Trường con tớ, người ta làm nhiều lắm!”.

Câu chuyện với cô bạn qua chưa được lâu thì tôi đọc được bài trả lời phỏng vấn của Giáo sư Văn Như Cương trên một trang báo điện tử.

Một vị giáo sư già, gắn bó cả đời với sự nghiệp giáo dục, hiện đã ở tuổi “xưa nay hiếm” rồi mà khi xem những bộ hồ sơ dự tuyển của các cháu học sinh cấp 1 muốn được vào học trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) đã phải thốt lên rằng phát hoảng khi thấy trong 4.000 hồ sơ xét tuyển vào lớp 6 trường Lương Thế Vinh mùa tuyển sinh hai năm qua, có khoảng 1.000 hồ sơ được điểm 10 Toán, Văn từ lớp 1 đến lớp 5. Cứ 10 hồ sơ thì có 3 em được giải thưởng các loại.

nen giao duc dung dau cung thay hoang
PGS Văn Như Cương cho hay có quá nhiều hồ sơ được giải thưởng và điểm 10 trong hồ sơ xét tuyển lớp 6 (Ảnh: Hải Nguyễn/Lao Động)

Chắc có lẽ, không chỉ riêng Giáo sư Văn Như Cương, mà tôi nghĩ, bất cứ ai từng học qua phổ thông, quen với cách học bậc tiểu học cách đây 15 đến 20 năm trước đều thấy “hoảng”!

Chúng ta hoảng vì không hiểu các thầy cô giáo dễ dãi quá khi cho điểm, hay thế hệ con em chúng ta ngày nay quá xuất chúng?

Thật khó để trả lời câu hỏi trên, nhưng có một điều có thể khẳng định rằng, chắc chắn thực trạng nền giáo dục của nước ta hiện nay không thể nào đẹp “tròn trịa” như những con điểm 10 xuất hiện “đồng loạt” kia được.

Lương Thế Vinh mới chỉ là một trường điểm trong hệ thống trường phổ thông cơ sở của Hà Nội. Cả nước còn rất, rất nhiều những trường phổ thông tầm cỡ như Lương Thế Vinh.

Vậy không hiểu, trên cả nước, sẽ còn bao nhiêu bộ hồ sơ “đẹp không tì vết” như thế? “Thần đồng” nhiều như lá mùa thu như vậy, chẳng hiểu nên mừng hay nên lo?

Để ý thực trạng của nền giáo dục, mới thấy, có lẽ, cái “hoảng” của GS Văn Như Cương vẫn chưa hẳn đã là đỉnh điểm của sự "hoảng". Cái đáng hoảng hơn đó là, hiện nay, mô hình "bố mẹ học cùng con cái" dường như đã xuất hiện ở mọi gia đình có con đang ở độ tuổi đến trường.

Chưa khi nào mà mới ở lớp mầm non, lúc con đang ở độ tuổi “biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan” mà bố mẹ đã lo ngay ngáy khi thấy cô giáo gợi ý các con phải học thêm hết môn này đến môn khác.

Mới vào cấp 1, các cháu đã phải gánh trên vai nỗi ám ảnh nặng nề của việc học. Sáng, chiều là có "thầy cô đồng hành" cùng các cháu. Tối, các ngày nghỉ tiếp tục đến ông bà, bố mẹ. Rảnh ra lúc nào nữa, là có sự “đồng hành” của gia sư.

Có lẽ, cuộc sống của một học trò hình như không có gì khác ngoài ăn, ngủ và "đồng hành" cùng người lớn trong việc học.

Có một nghịch lý đầy trớ trêu, đó là mang tiếng đồng hành cùng con cái, nhưng chưa bao giờ lại xảy ra chuyện bố mẹ đều là cử nhân, có cả thạc sỹ, tiến sĩ mà nhiều khi không giải được những bài toán, bài đố cấp 1, cấp 2 của con.

Có bài toán cấp 1 của cô cháu hàng xóm nhà tôi, mà cả xóm, đủ cả các cử nhân, thạc sỹ, từng là học sinh giỏi toàn diện một thời đều lắc đầu nguầy nguậy. Đáp án cuối cùng là: "Mai hỏi cô giáo”.

Một điều đáng để “hoảng’ nữa là điểm giỏi của các cháu ngày càng nhiều, “thần đồng” ngày càng lắm, ấy vậy mà, trong những kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, những điểm “0” môn sử hoặc một số môn “phụ” khác ngày càng nhiều.

Còn đáng “hoảng” hơn, khi chưa bao giờ số lượng sinh viên ở nước ta lại nhiều đến vậy. Cứ ra ngõ là gặp sinh viên.

Sinh viên nhiều và mất giá đến mức, có nhiều người con trúng tuyển đại học, thay vì vui mừng họ lại đau đầu tính toán xem có nên cho con học không? Học ra liệu có xin được việc không?

Có gì đáng phấn khởi đâu khi có những học sinh, chỉ cần thi tốt nghiệp không bị điểm “liệt” là đã có giấy báo trúng tuyển, mời nhập học của biết bao trường toàn cái tên lạ huơ lạ hoắc.

Chính cái thực trạng “ra ngõ gặp sinh viên” ấy, mới gây ra cái hệ lụy, đó là số cử nhân ra trường thất nghiệp ngày càng tăng. Nhiều cử nhân khi đi xin làm công nhân (lao động tự do) không dám chìa bằng đại học ra vì sợ sẽ bị loại.

Học dễ được điểm giỏi thế, muốn trở thành sinh viên cũng nhẹ như lông hồng, ấy vậy nhưng không hiểu sao, số lượng các em học sinh, sinh viên đua nhau đi du học nước ngoài ngày càng nhiều.

Điều đó có khiến chúng ta phải “hoảng” không, khi nền giáo dục trong nước chất lượng đang “thay da đổi thịt” như vậy mà các nhân tài trẻ vẫn ngoảnh mặt, rũ áo ra đi. Vậy, có phải “Bụt chùa nhà không thiêng” hay chất lượng giáo dục nước ta “nhìn vậy mà không phải vậy”?.

Một năm học lại vừa kết thúc. Niềm vui “bội thu” thành tích chưa dứt thì những nỗi lo toan của mùa tuyển sinh mới lại mở ra.

Nhưng, khi nỗi lo lắng của mùa tuyển sinh mới còn chưa đến, thì các thầy cô giáo đã lại thấy “hoảng” khi vị lãnh đạo ngành Giáo dục vừa tiết lộ ý tưởng đang nghiên cứu để tiến tới xóa bỏ chế độ viên chức, biên chế trong giáo dục.

Phải nói thật rằng, nhiều thầy cô giáo hiện nay còn muốn “bám” với nghề, chấp nhận mức lương “bèo bọt” để lên bục giảng bên cạnh niềm yêu nghề, còn có 2 từ “biên chế” để bấu víu. Giờ, điều mà khiến họ coi là “lá bùa” để đeo đuổi ấy bị mất đi, không hiểu, còn bao nhiêu thầy cô còn muốn gắn bó với nghề?

Một nền giáo dục mà nhìn vào đâu cũng thấy "hoảng", không hiểu rồi nó sẽ ra sao?

Người ta cứ hô hào cải cách, nhưng, thực ra, họ luôn bị vướng trong mớ bong bong tự tạo ra cho mình. Nếu không gỡ, chỉ mải mê “cải cách”, có lẽ, nói theo nhiều giáo viên chia sẻ, thà cứ giữ nguyên như trước đây đã là...cải cách lắm rồi.

nen giao duc dung dau cung thay hoang Khi luật sư phải tố giác thân chủ, nhân dân sẽ buồn

Khi tội phạm được phát hiện từ sự tố giác thân chủ của luật sư, nhân dân hoàn toàn có lý do để buồn bởi ...

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.