Tại buổi tọa đàm về phát triển cà phê bền vững tổ chức ở TP HCM nhân Ngày Quốc tế Cà phê (1/10), ông Phạm Phú Ngọc, Trưởng Đại diện Nestle Việt Nam tại Tây Nguyên, cho biết Việt Nam hiện là nước trồng cà phê đạt năng suất cao nhất thế giới với mức bình quân 2,7 tấn/ha.
Trong khi các nước Đông Nam Á khác như: Indonesia 0,6 tấn/ha, Philippines 0,7 tấn/ha, Thái Lan 1 tấn/ha.
Trong chương trình Nescafé Plan nhằm phát triển cà phê bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cho hạt cà phê Việt Nam do Tập đoàn Nestlé thực hiện thì năng suất cà phê tại Việt Nam là 4,5 tấn/ha (cao hơn năng suất bình quân của cả nước là 2,6 tấn/ha), Indonesia 1 tấn/ha, Philippines 0,8 tấn/ha, Thái Lan 1,7 tấn/ha.
"Nhiều nông dân Việt Nam có thể đẩy năng suất cà phê lên 7-10 tấn/ha nhưng chúng tôi không khuyến khích điều này mà khuyến cáo họ nên duy trì năng suất khoảng 4,5 tấn/ha để bảo đảm mục tiêu bền vững.
Cà phê Robusta Việt Nam không theo đuổi mục tiêu số 1 thế giới về sản lượng hay năng suất cao nhất mà làm sao để người trồng có được lợi nhuận cao, hạt cà phê Việt Nam được nhiều người trên thế giới biết đến.
Từ đó tạo ra chuỗi giá trị chung và hướng đến sự phát triển bền vững cho mặt hàng cà phê, hướng đến việc đưa Việt Nam trở thành nơi tham chiếu cho cà phê Robusta thế giới", ông Ngọc nhận định.
Triển khai tại 4 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và Gia Lai) từ năm 2011, đến nay, chương trình Nescafé Plan đã phân phối trên 46 triệu cây giống kháng bệnh cho nông dân, cải tạo và tái canh 46.000 ha cà phê già cỗi.
Đồng thời xây dựng công cụ quản lí “Nhật kí nông hộ” dựa trên công nghệ số kết nối chặt hơn giữa nông dân với các chuyên gia, giúp nông dân quản lí hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, thay thế việc quản lí bằng giấy tờ.
Thông qua việc tập huấn và đào tạo kĩ thuật canh tác bền vững cho hơn 260.000 lượt nông dân với sự tham gia của các kĩ sư nông nghiệp; giúp tiết kiệm 40% lượng nước tưới; giảm 20% lượng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu nhờ ủ vỏ hạt cà phê làm phân hữu cơ thay phân hóa học.
Theo đó, đến nay đã có hơn 21.000 nông hộ đạt chứng chỉ cà phê quốc tế 4C. Với việc áp dụng này, thu nhập người nông dân tăng trên 30%.
Ông Nguyễn Hắc Hiển, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, cho biết Đắk Lắk là thủ phủ cà phê của cả nước với diện tích hơn 200.000 ha, sản lượng khoảng 470.000 tấn/năm. Đây là cây trồng chủ lực, mang lại nguồn lợi lớn, ổn định cho nông dân.
"Chúng tôi khuyến cáo nông dân giảm diện tích trồng cà phê ở những vùng không có lợi thế như: không đủ nước tưới, đất không phù hợp, đất mỏng, độ dốc cao để chuyển sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế hơn.
Nông dân sẽ nhìn vào thị trường để quyết định cây trồng nào phù hợp. Ưu điểm của cà phê là khi giá thấp, người dân có thể phơi khô chờ tăng giá trong khi cây ăn quả phải bán ngay và chưa có nhà máy chế biến sâu. Do vậy, những vùng trồng cà phê có lợi thế vẫn được duy trì", ông Hiển thông tin.
Theo ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Công ty Nestlé VN, dự án được triển khai ở 10 quốc gia từ năm 2010 theo mô hình hợp tác công tư (PPP), 1 năm sau mới tiến hành ở Việt Nam.
Dù đi sau nhưng lại về trước bởi nó trở thành mô hình tiêu biểu của chương trình Nescafe Plan toàn cầu và đã tác động tích cực đến việc phát triển cà phê bền vững trong nước, góp phần nâng cao giá trị hạt cà phê Việt Nam trên thị trường.
Cùng với đó, ông Binu Jacob cũng khẳng định, việc canh tác bền vững, tạo sản phẩm chất lượng và an toàn là xu thế mà ngành hànghướng tới. Đặc biệt, việc tạo giá trị tăng thêm cho hạt cà phê đã góp phần nâng cao lợi ích cho người nông dân cũng như cộng đồng, tạo nên giá trị bền vững.
Đại diện Nestlé Việt Nam cho biết, trong thời gian tới, chương trình Nescafe Plan sẽ đẩy mạnh việc áp dụng những cải tiến khoa học công nghệ trong việc canh tác và thu hoạch cà phê.
Từ đó, gia tăng sản lượng chế biến sản phẩm cà phê cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, nghiên cứu và phát triển những sản phẩm cà phê mới đáp ứng những thị hiếu mới của người tiêu dùng.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê tháng 8 đạt 100.000 tấn, trị giá 184,35 triệu USD, giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt mức cao nhất kể từ tháng 1/2019, lên mức 1.840 USD/tấn, tăng 3% so với tháng 7/2020 và tăng 6,6% so với tháng 8/2019.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cà phê đạt 1,15 triệu tấn, trị giá 1,97 tỉ USD, giá xuất khẩu bình quân cà phê tăng 0,1% so với cùng kì năm 2019, lên mức 1.771 USD/tấn.
Đáng chú ý Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8 được kìvọng sẽ thúc đẩy xuất khẩu cà phê tăng trong thời gian tới. Bởi theo EVFTA, EU xóa bỏ thuế cho toàn bộ cho các sản phẩm cà phê chưa rang hoặc đã rang (giảm từ 7 – 11% xuống 0%), các loại cà phê chế biến từ 9 – 12% xuống còn 0%.
Đồng thời, mặt hàng cà phê là 1 trong số 39 chỉ dẫn địa lí của Việt Nam được EU cam kết bảo hộ khi EVFTA chính thức đi vào hoạt động. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho ngành cà phê Việt Nam với các nước xuất khẩu cà phê khác tại thị trường EU.