‘Nếu Bamboo Airways lên sàn với giá 60 thì FLC thành công lớn vì giá vốn đầu tư chỉ là 10’

Chủ tịch Trịnh Văn Quyết cho biết Tập đoàn FLC bắt đầu góp vốn vào Bamboo Airways từ năm 2017 với giá chỉ 10.000 đồng/cp. Hiện nay hãng bay này đang có kế hoạch lên sàn chứng khoán với giá khởi điểm 60.000 đồng/cp.
‘Nếu Bamboo Airways lên sàn với giá 60 thì FLC thành công lớn vì giá vốn đầu tư chỉ là 10’ - Ảnh 1.

Chủ tịch Trịnh Văn Quyết chụp ảnh với cổ đông tại đại hội thường niên 2021. (Ảnh: Đức Quyền).

Hãng hàng không Bamboo Airways (Tre Việt) được Tập đoàn FLC thành lập vào ngày 31/5/2017 với vốn điều lệ ban đầu 700 tỷ đồng, do FLC sở hữu 100%.

Hiện nay, số vốn góp của FLC đã tăng lên thành hơn 4.100 tỷ đồng (tương đương trên 410 triệu đơn vị BAV), nhưng vì tổng vốn điều lệ của Bamboo Airways tăng với tốc độ nhanh hơn nên tỷ lệ sở hữu của FLC trong hãng hàng không này giảm từ 100% xuống còn 39,4%. Từ tháng 2/2021, FLC không còn là công ty mẹ của Bamboo Airways.

Trao đổi tại đại hội cổ đông thường niên của Tập đoàn FLC sáng 12/4/2021, Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết cho biết: "Cá nhân tôi và Tập đoàn FLC vẫn đang sở hữu trên 80% vốn của Bamboo Airways, còn lại hơn 10% được nắm giữ bởi các công ty thành viên trong hệ thống FLC, các cán bộ nhân viên của tập đoàn và một số ít cổ đông bên ngoài được chuyển nhượng".

Theo ông Trịnh Văn Quyết, thời gian vừa qua có nhiều thông tin thất thiệt như "FLC thoái vốn Bamboo" hay "Ông Quyết thoái vốn Bamboo" gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của công ty nên ông muốn nhân sự kiện này để đưa ra phát ngôn chính thức về vấn đề sở hữu.

Hiện nay ông Quyết vừa là Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn FLC, vừa là Chủ tịch HĐQT của Bamboo Airways. Ông Đặng Tất Thắng – Tổng Giám đốc Bamboo Airways cũng đồng thời là Phó Tổng Giám đốc của FLC. Có thể nói hoạt động quản trị và điều hành của Bamboo vẫn hoàn toàn nằm trong tay FLC.

Chủ tịch Trịnh Văn Quyết cho hay Bamboo Airways đã có kế hoạch niêm yết cổ phiếu BAV trong năm 2020 nhưng vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên ban lãnh đạo đã hoãn lại để tìm "điểm rơi" thích hợp của thị trường chứng khoán.

"Điểm rơi để Bamboo Airways thực hiện IPO là quý II năm nay, hay chậm nhất là quý III, giá khởi điểm là khoảng trên dưới 60.000 đồng/cp", ông Quyết nói với các cổ đông. 

Nếu Bamboo Airways lên sàn thành công như kế hoạch thì "chắc chắn hiệu quả của FLC khi đầu tư vào Bamboo Airways là rất lớn vì chúng ta góp vốn ban đầu với giá vốn chỉ là 10, trong khi niêm yết giá 60".

Cá nhân ông Quyết cũng sẽ được hưởng lợi không nhỏ nếu Bamboo Airways lên sàn suôn sẻ. Ở mức giá 60.000 đồng/cp, số cổ phần BAV mà ông đang sở hữu ước tính sẽ có giá trị gần 1 tỷ USD, đưa ông quay trở lại top những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

‘Nếu Bamboo Airways lên sàn với giá 60 thì FLC thành công lớn vì giá vốn đầu tư chỉ là 10’ - Ảnh 2.

Ông Trịnh Văn Quyết phát biểu tại một sự kiện trong năm 2020. (Ảnh: Đức Quyền).

Ngoài vai trò Chủ tịch HĐQT và cổ đông lớn của cả FLC và Bamboo Airways, ông Trịnh Văn Quyết còn là cổ đông chi phối sở hữu 52,49% vốn của CTCP Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes (Mã: FHH).

Trong năm 2020, FLCHomes đã bán 700.000 cổ phiếu Bamboo Airways với giá 40.000 đồng/cp, trong khi giá gốc là 11.000 đồng. Lợi nhuận thu được là 20,3 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ lãi 264%.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.