Ngân hàng giảm tỉ trọng thu từ lãi, các mảng phi tín dụng tăng mạnh

Cơ cấu thu nhập nhiều ngân hàng đang có sự thay đổi theo hướng giảm bớt phụ thuộc vào thu từ lãi nhất là trong bối cảnh Covid-19. Tại 22 ngân hàng khảo sát, tỉ trọng thu nhập lãi thuần trên tổng thu nhập hoạt động 9 tháng đầu năm đã giảm về 75,8%.

Đa dạng hoá nguồn thu

Tỉ trọng thu nhập từ lãi đang có xu hướng giảm dần trong tổng nguồn thu của các ngân hàng trong 9 tháng đầu năm. Thay vào đó, thu nhập từ các mảng hoạt động khác như dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, đầu tư chứng khoán,... tại nhiều ngân hàng có mức tăng trưởng cao.

Thống kê từ 22 ngân hàng đã công bố BCTC quí III/2020 cho thấy tỉ trọng thu nhập lãi thuần trên tổng thu nhập hoạt động đã giảm từ 77,7% trong 9 tháng đầu năm 2019 xuống còn 75,8%.

Tại VietinBank, tỉ trọng thu nhập lãi thuần đã giảm về 78,6%, thấp hơn đáng kể so với mức 81,8% của cùng kì 2019. Ba quí đầu năm, trong khi thu nhập từ lãi chỉ tăng 3,2%, các nguồn thu ngoài lãi lại được đẩy mạnh như kinh doanh ngoại hối (tăng 27,4%), chứng khoán kinh doanh (tăng 27,6%), hoạt động kinh doanh khác (tăng 91,4%)...

BIDV có mức giảm tỉ trọng thu nhập lãi thuần thấp hơn, chiếm 77,4%, giảm 1,6 điểm % so với cùng kì năm trước. Trong kì, thu nhập lãi thuần của BIDV đã giảm 4,4% xuống 25.231 tỉ đồng. Đáng chú ý, các nguồn thu ngoài lãi ghi nhận kết quả tích cực. 

Cụ thể, lãi thuần từ dịch vụ đạt gần 3.667 tỉ đồng, từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 1.254 tỉ đồng, tăng 16,4%; các mảng kinh doanh và đầu tư chứng khoán đều tăng trưởng so với cùng kì năm trước.

Ngân hàng dần giảm phụ thuộc vào tín dụng 9 tháng đầu năm - Ảnh 1.

(Nguồn: Fiin Group).

Ở nhóm các ngân hàng tư nhân, LienVietPostBank, ngân hàng có tỉ trọng thu nhập lãi thuần trên tổng thu nhập hoạt động cao nhất hệ thống 9 tháng đầu năm ngoái, đã giảm tỉ lệ này từ 94,8% xuống 90,7%, khoản thu nhập lãi thuần là 4.716 tỉ đồng.

Trong khi thu nhập lãi thuần trong kì chỉ tăng chưa đến 5%, các nguồn thu ngoài lãi của LienVietPostBank lại tăng trưởng mạnh hai con số. Cụ thể, lãi thuần từ mảng dịch vụ đạt 357 tỉ đồng, tăng trưởng 79%; lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối đạt hơn 64 tỉ đồng, tăng 36,2%.

Hay tại VPBank, thu nhập lãi thuần 9 tháng đầu năm đóng góp 83,3% tổng thu nhập hoạt động với 23.606 tỉ đồng, giảm gần 2 điểm % so với cùng kì năm trước.

Điều này cũng được lí giải do ngân hàng đã đẩy mạnh các nguồn thu ngoài lãi khác. Nổi bật, danh mục chứng khoán đầu tư sau 9 tháng tăng 14% lên 78.349 tỉ đồng, giúp lãi thuần từ mảng hoạt động này tăng 83,2% mang về 891 tỉ đồng,

Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 19,6% mang về 2.323 tỉ đồng nhờ động lực của dịch vụ thanh toán, ngân quĩ (tăng 79%) và dịch vụ khác (tăng 24,6%). Lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh tăng 14,2% mang về 230 tỉ đồng.

Ngoài những cái tên trên, một số ngân hàng khác ghi nhận sự thay đổi cơ cấu thu nhập tương tự có thể kể tới là VIB (tỉ lệ lãi thuần trên tổng thu nhập hoạt động giảm từ 77,2% xuống 75,6%), SeABank (giảm từ 84,5% xuống 65,4%), ABBank (giảm từ 73,1% xuống 65,9%),...

Xu hướng chuyển dịch sang các nguồn thu ngoài lãi đã được "khởi động" từ khá lâu trước đó. Tiềm năng của nó được thể hiện khi tốc độ tăng trưởng thu nhập lãi tại 19 ngân hàng chỉ ở mức 6,9% trong khi mức tăng trưởng lãi thuần từ dịch vụ và lãi thuần từ các hoạt động còn lại lần lượt là 9,6% và 25,2%.

Chuyển dịch cơ cấu là xu hướng chung

Tầm quan trọng của các mảng phi tín dụng càng được thể hiện rõ trong bối cảnh dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng tới cả nền kinh tế khiến nhu cầu tín dụng giảm sốc. Giới chuyên gia nhận định rằng tình hình đầu ra tín dụng tới nay vẫn còn khó khăn, khả năng hấp thụ của nền kinh tế vẫn chưa thể phục hồi.

Cùng với đó, chất lượng tín dụng của các ngân hàng cũng đang đi xuống, khiến chi phí dự phòng tăng lên đáng kể trong thời gian qua. Qua đó, ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của các nhà băng.

Đa dạng hóa các nguồn thu ngoài lãi là xu hướng theo đúng Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2016 - 2020. Một trong những mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra.

Chiến lược phát triển ngành ngân hàng tới năm 2025, định hướng năm 2030 cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2020, tỉ trọng thu nhập từ phí dịch vụ đạt khoảng 12 đến 13% và đến cuối năm 2025 tăng lên mức 16 đến 17%.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.