Tại buổi họp báo về kết quả hoạt động Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quý III/2019, diễn ra hôm nay (1/10), lãnh đạo NHNN đã cho biết nhiều thông tin liên quan kì điều chỉnh giảm lãi suất điều hành vào giữa tháng 9.
Theo quyết định của NHNN, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ, đều giảm 0,25%/năm so với trước.
Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - ông Phạm Thanh Hà, cho biết NHNN điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến vĩ mô và thị trường tiền tệ, chỉ đạo tổ chức tín dụng chủ động rà soát, cân đối tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lí, trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, đảm bảo an toàn tài chính.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định 3 tháng cuối năm lãi suất sẽ không tăng. (Ảnh: NHNN).
Việc cắt giảm lãi suất điều hành dựa trên cơ sở đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ trong và ngoài nước, đặc biệt trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương liên tục cắt giảm lãi suất.
Ông Hà khẳng định quyết định này của Ngân hàng Nhà nước nhằm tạo điều kiện hỗ trợ nền kinh tế và thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng. Về cơ bản, mặt bằng lãi suất duy trì ổn định.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết thêm lãi suất giảm là thông điệp về nền kinh tế Việt Nam ổn định, tạo điều kiện hỗ trợ cho những doanh nghiệp trong lĩnh vực được ưu tiên.
Đồng thời, các tổ chức tín dụng có thể tham chiếu với lãi suất điều hànhm để điều chỉnh lãi suất cho vay.
Ông Tú phân tích thêm cần hài hòa giữa người vay và người gửi tiền, hài hòa với chỉ số lạm phát, hài hòa giữa chi phí nghiệp vụ của các tổ chức tín dụng với lợi nhuận, cũng như nâng cao năng lực hoạt động.
Lãnh đạo NHNN khẳng định giảm lãi suất là tăng cường đẩy mạnh đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp trong vài tháng còn lại của năm 2019.
"Những tháng cuối năm, lãi suất sẽ không tăng, còn giảm nữa hay không sẽ phụ thuộc vào kinh tế vĩ mô và các chỉ số kinh tế. Các ngân hàng thương mại điều chỉnh lãi suất còn tuỳ vào từng trường hợp, đối tượng vay", Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.
Liên quan tình hình cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định ngành ngân hàng luôn sẵn sàng cho vay các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước, trong đó có các dự án BOT.
NHNN cho rằng các ngân hàng không tăng được vốn điều lệ, thì rất khó khơi thông nguồn vốn vào các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam. (Ảnh: Tuổi Trẻ).
Theo đánh giá của NHNN, các dự án BOT, BT giao thông thường có tổng mức đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài, nhu cầu vốn vay lớn. Vì vậy, việc cho vay các dự án BOT, BT giao thông gây áp lực lớn cho các ngân hàng trong việc cân đối nguồn vốn, do nguồn vốn chủ yếu là ngắn hạn.
Thời gian qua, việc huy động tín dụng của các nhà đầu tư trong nước chủ yếu dựa vào tổ chức tín dụng trong nước, trong khi dư nợ nguồn vốn vay tín dụng dài hạn của các ngân hàng trong nước đang ở mức cao.
"Hiện tổng dư nợ và cam kết tín dụng cho các dự án BOT, BT đã chạm giới hạn cấp tín dụng đối với lĩnh vực này. Nếu các ngân hàng không tăng được vốn điều lệ, thì rất khó khơi thông nguồn vốn vào các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam", Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.
Ngoài ra, theo quy định của NHNN, nguồn cung tín dụng còn khó khăn hơn bởi tỉ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn giảm còn 40% từ đầu năm nay.
Ông Đào Minh Tú nhấn mạnh tính cấp thiết của việc làm rõ các chính sách liên quan đến các dự án BOT, BT, để hạn chế rủi ro. Ông khẳng định phải tính toán làm sao để đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng như các chỉ số an toàn, hệ số an toàn vốn (CAR)… của ngân hàng thương mại.
Một thông tin đáng chú ý lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết là thị trường tài chính tiền tệ được điều hành ổn định, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Tính đến ngày 24/9, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,58% so với cuối năm 2018. Thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng được bảo đảm.
NHNN cho biết lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 6/2019, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lí được 224,7 nghìn tỉ đồng nợ xấu. (Ảnh: Thanh Niên).
Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 8,64% so với cuối năm 2018, chủ yếu tập trung vào sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, riêng tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được tăng cường kiểm soát.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết việc tái cơ cấu hệ thống tiếp tục đẩy mạnh, các tổ chức tín dụng ổn định, hệ thống an toàn, lành mạnh. Năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng theo đó được củng cố, vốn điều lệ tăng, quy mô hệ thống tăng và năng lực quản trị điều hành, hoạt động kiểm tra, kiểm toán nội bộ và quản lí rủi ro từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế…
Lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 6/2019, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lí được 224.700 tỉ đồng nợ xấu. Tỉ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 6/2019 là 1,9%.
NHNN sẽ đẩy mạnh triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lí nợ xấu đến năm 2020. Mục tiêu đẩy mạnh xử lí nợ xấu theo cơ chế thị trường, kiểm soát nợ xấu mới phát sinh và nợ tiềm ẩn, phấn đấu đưa tỉ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%.