Ngân hàng Nhà nước giải thích việc Mỹ tiếp tục đưa Việt Nam trong danh sách theo dõi thao túng tiền tệ

Ngân hàng Nhà nước giải thích Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách theo dõi thao túng tiền tệ của Mỹ là do quy định từ đợt theo dõi vào tháng 5/2019.

Ngày 14/1, Bộ Tài chính Mỹ đã ban hành Báo cáo về "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn". Tại Báo cáo kì này, Bộ Tài chính đã đưa ra Danh sách các quốc gia cần giám sát, gồm 10 nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Ireland, Singapore, Malaysia, Thụy Sỹ và Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước giải thích vì sao Mỹ vẫn đưa Việt Nam trong danh sách theo dõi thao túng tiền tệ

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngay lập tức đã có phản hồi. Ngân hàng Nhà nước cho biết tại Báo cáo này, Bộ Tài chính Mỹ kết luận không có đối tác thương mại nào thao túng tiền tệ.

Về lí do Việt Nam tiếp tục được theo dõi thao túng tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cũng giải thích cụ thể. Trong Báo cáo tháng 5/2019, lần đầu tiên Việt Nam trở thành một trong 9 quốc gia có tên trong Danh sách giám sát, do đáp ứng hai tiêu chí về thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ và thặng dư cán cân vãng lai.

Báo cáo nêu rõ khi một quốc gia có tên trong Danh sách giám sát, quốc gia này sẽ tiếp tục được theo dõi trong 2 kì Báo cáo tiếp theo. Do đó, tại Báo cáo tháng 1/2020, Việt Nam tiếp tục nằm trong Danh sách giám sát.

Ngân hàng Nhà nước giải thích tại sao Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách theo dõi thao túng tiền tệ của Mỹ - Ảnh 1.

Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách theo dõi là theo quy định của Mỹ. (Ảnh: TopCV Blog).

Theo quy định của Đạo luật Xúc tiến và tăng cường thương mại năm 2015 của Hoa Kỳ, Bộ Tài chính nước này cần thực hiện phân tích nâng cao về chính sách tỉ giá và kinh tế đối ngoại của các đối tác thương mại lớn, thỏa mãn các tiêu chí về thặng dự thương mại song phương với Hoa Kỳ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp ngoại tệ.

Các tiêu chí này đã được lượng hóa cụ thể tại Báo cáo tháng 1/2020, như sau: Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỉ USD; thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP. Can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng, với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng.

Ngân hàng Nhà nước cho biết Việt Nam chỉ đáp ứng một tiêu chí về thặng dư thương mại song phương. 

Cụ thể, thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ đang là 47 tỉ USD. Còn lại, thặng dư cán cân vãng lai của Việt Nam chỉ tương đương 1,7% GDP. Can thiệp mua ròng trên thị trường ngoại tệ tương đương 0,8% GDP.

Với việc Việt Nam tiếp tục nằm trong Danh sách giám sát, trong thời gian tới, Bộ Tài chính Hoa Kỳ sẽ tiếp tục theo dõi các thông tin, số liệu về thương mại, cán cân vãng lai, các chính sách kinh tế vĩ mô, tiền tệ của Việt Nam. Bộ này có thể sẽ tiếp tục trao đổi, làm việc với các cơ quan hữu quan của Việt Nam nếu cần thiết.

Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Bộ Tài chính Hoa Kỳ quan tâm, trên tinh thần hợp tác. Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành tỉ giá linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.

Hàng hoá Trung Quốc đang “mượn” Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ?

Tháng 12/2019, trong cuộc Họp báo thường kì Bộ Công Thương tổ chức, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết Văn phòng đại diện thương mại Hoa Kỳ đang làm việc tại Việt Nam, để xem xét kế hoạch hành động mà Việt Nam đã gửi cho họ từ ngày 1/11/2019.

Ngân hàng Nhà nước giải thích về việc Mỹ tiếp tục đưa Việt Nam trong danh sách theo dõi thao túng tiền tệ  - Ảnh 2.

Gỗ dán xuất khẩu sang Mỹ đã nằm trong tầm ngắm của hải quan nước này.

Trong đó tập trung vào hai vấn đề chính: Tăng cường kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên và giảm nhập siêu của Hoa Kỳ đối với hàng hoá xuất xứ từ Việt Nam.

Phía Mỹ yêu cầu Việt Nam phát triển những phải định hướng cân bằng lợi ích thương mại giữa hai bên.

Hiện Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong 11 tháng năm 2019, kim ngạch đạt 55,6 tỉ USD, tăng 27,9% so với cùng kì năm trước. Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường truyền thống khác như EU, Trung Quốc,… đều giảm.

Ngược lại, thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam lại là Trung Quốc, với kim ngạch đạt 68,7 tỉ USD, và Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu thấp nhất, chỉ 13 tỉ USD. Điều đó có nghĩa là Việt Nam đang xuất siêu sang Hoa Kỳ.

Thứ trưởng cho biết Mỹ yêu cầu Việt Nam thực hiện các hành động cần thiết để tránh khỏi những biện pháp tương tự mà nước này đã áp dụng với Trung Quốc, gần đây là với Pháp, thậm chí là với đồng minh Thái Lan của họ.

Cũng trong tháng 11/2019, ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng cục Giám sát và quản lí Hải quan, cho biết các mặt hàng Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế cao đã ồ ạt nhập vào Việt Nam thời gian qua, ở chiều ngược lại lượng xuất khẩu mặt hàng này qua Mỹ cũng tăng đột biến.

Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo về hiện tượng Việt Nam trở thành điểm né thuế quan Mỹ của hàng hóa Trung Quốc sau xung đột thương mại.

Con số Tổng cục Hải quan mới đưa ra cho thấy, trong 10 tháng của năm 2019, cũng là thời điểm cuộc chiến tranh thương mại lên tới đỉnh điểm, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường Mỹ đã tăng gấp 4 lần so với các thị trường khác.

Trong khi đó, lượng nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam cũng tăng 2,3 lần so với cùng kì năm ngoái.

Cụ thể, đối với mặt hàng dây điện và dây cáp điện, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tăng 252,31% thì chiều ngược lại, nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 47,75%. Mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử linh kiện nhập từ Trung Quốc tăng 53,1%, xuất sang Mỹ tăng 100, 52%,....

Đây đều là các danh mục sản phẩm phải chịu mức thuế suất cao của Hoa Kỳ đối với hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc.


chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.