Bộ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin tuyên bố dưới sự đồng ý của Tổng thống Donald Trump, xác định Trung Quốc là một quốc gia thao túng tiền tệ. Bộ Tài chính chia sẻ thêm với CNBC rằng: "Bộ trưởng Mnuchin sẽ tham gia với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để loại bỏ lợi thế cạnh tranh không lành mạnh, được tạo ra bởi các hành động mới nhất từ Trung Quốc".
Bộ Tài chính Hoa Kỳ phân tích trong những ngày gần đây, Trung Quốc đã có những bước đi "lộ liễu" để phá giá đồng tiền của mình, trong khi vẫn duy trì dự trữ ngoại hối đáng kể. Trong quá khứ, Trung Quốc cũng từng làm thế, và bị Bộ Tài chính Mỹ liệt vào diện thao túng tiền tệ vào năm 1994.
Theo CNBC, Bộ này cho rằng trong bối cảnh rối ren của chiến tranh thương mại, Trung Quốc chọn cách phá giá đồng nhân dân tệ. Đồng nhân dân tệ đã giảm giá rất nhiều so với đồng đô la Mỹ, mức thấp nhất kể từ năm 2008 đến nay.
Đặc biệt, đồng nhân dân tệ đã có mức giảm 1,4% vào tuần trước, tức 1 USD đổi được tới 7 nhân dân tệ, khi ông Trump tuyên bố tiếp tục đánh thuế hàng Trung Quốc vào tháng 9.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin cho rằng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đang công khai thao túng tiền tệ. (Ảnh: The Epoch Times).
Trong tuyên bố hôm qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) khẳng định sẽ tiếp tục "có các biện pháp cần thiết và có chủ đích chống lại các hành vi phản hồi tích cực có thể xảy ra trên thị trường ngoại tệ".
Bộ Tài chính Mỹ cho rằng: "Đây là sự công khai của PBOC, về việc thao túng đồng tiền và họ sẵn sàng duy trì việc đó".
Luật pháp Hoa Kỳ đưa ra 3 tiêu chí để xác định sự thao túng tiền tệ của các đối tác thương mại lớn, gồm: thặng dư tài khoản vãng lai lớn hơn 3% GDP, thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất 20 tỉ đô la, và can thiệp vào thị trường ngoại hối (giảm giá hoặc tăng giá) ít nhất 2% GDP.
Tuy nhiên, tờ Reuters dẫn lại báo cáo tháng 5 của Mỹ, cho biết Trung Quốc chỉ có tiêu chí thặng dư tài khoản vãng lai lớn hơn 3% GDP, và đôi khi Bắc Kinh đã can thiệp để tăng giá đồng nhân dân tệ. Chính Reuters cũng phải thốt lên: "Thật mờ hồ làm sao khi Bộ Tài chính đưa ra quyết định này".
Tỉ giá nhân dân tệ và đô la Mỹ từ cuối năm ngoái đến nay. (Đồ họa: Action Forex).
Tờ CNBC dẫn lời ông Marc Chandler, chiến lược gia trưởng thị trường tại Bannockburn, cho rằng: "Nguyên tắc chính thao túng tiền tệ là can thiệp đồng loạt hoặc liên tục để làm suy yếu tiền tệ của nước mình. Do đó, các nhà kinh tế và chiến lược gia có thể sẽ không bị thuyết phục với quyết định này".
Nhưng quyết định trên được giới chính trị ủng hộ nhiệt tình, kể cả Đảng Dân chủ. Lãnh đạo Thượng viện Đảng Dân chủ Chuck Schumer cho rằng: "Trung Quốc đã thao túng tiền tệ của họ từ lâu, ngay khi Tổng thống Trump nhậm chức. Cuối cùng ông ấy và Bộ trưởng Tài chính đã đưa ra quyết định này. Đó là tất cả những gì ông ấy nên làm".
Chứng khoán Mỹ đã trượt dài theo quyết định trên của Bộ Tài chính. Chỉ số S & P 500 vào cuối ngày hôm qua đã giảm hơn 1%. Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones .DJI cũng giảm 767,27 điểm, tương đương 2,9%.
Trong suốt ngày hôm qua, điểm S & P 500 đã giảm khoảng 3%, đánh dấu mức giảm lớn nhất trong vòng một ngày kể từ ngày 4/12/2018. Sự sụt giảm đó đã gây ra tổn thất 766 tỉ đô la, theo dữ liệu của Refinitiv.
Tính đến hôm nay, S & P 500 đã giảm 6 phiên liên tiếp.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ 10 năm tiếp tục tuột mạnh chỉ trong một đêm, giảm 1,672%, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2016.
Chứng khoán toàn cầu đỏ rực sau khi Trung Quốc hạ tỉ giá, Mỹ liệt đó vào hành vi thao túng tiền tệ. (Ảnh: Telegraph).
Cổ phiếu tại Trung Quốc cũng đang trượt dốc trong giao dịch buổi sáng hôm nay. Sàn Thượng Hải giảm 2,56%, sàn Thâm Quyến giảm sâu hơn đến 2,99% đến 3,38%.
Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng giảm 2,26%. Chỉ số MSCI Hong Kong đã giảm 3%, và là phiên đổ đèo thứ 10 liên tiếp, với mức giảm tồi tệ nhất kể từ năm 1984.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản cũng giảm đến 2,03% trong phiên giao dịch sáng hôm nay. Chỉ số Topix cũng giảm 1,85%.
Tại Hàn Quốc, Kospi giảm 0,61%. S & P / ASX 200 của Úc giảm 2,56%.
Tờ Wion News dẫn ý kiến của Steve Englander, người đứng đầu nghiên cứu toàn cầu tại Standard Chartered Bank: "Với tình trạng thị trường mong manh, việc Mỹ liệt Trung Quốc vào quốc gia thao túng tiền tệ có thể được coi là sự leo thang chiến tranh thương mại, và làm trầm trọng thêm sự bán tháo của thị trường. Thị trường đang lo ngại phản ứng gắt gao hơn nữa từ Trung Quốc".
Chia sẻ trên Asian Nikkei Review, Zhang Ming, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, dự báo: "Nếu Mỹ leo thang căng thẳng thương mại, chúng ta không thể loại trừ khả năng chính phủ Trung Quốc sẽ làm suy yếu thêm đồng nhân dân tệ để giúp các nhà xuất khẩu".
Giới đầu tư lo lắng cho triển vọng thị trường trong thời gian tới. (Ảnh: Oregonlive).
Ngay trong sáng nay, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) "không ngán" thiết lập tỉ giá nhân dân tệ tham chiếu là 6,9683 CNY đổi 1 USD, thấp hơn cả mức hôm qua.
Trung Quốc từ tối qua cũng đã thông báo dừng mua các sản phẩm nông nghiệp Mỹ.
Lí do được phía Bắc Kinh đưa ra là Washington đã "vi phạm nghiêm trọng" thỏa thuận giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Trump tại Hội nghị G20 hồi tháng 6.
Kinh doanh 11:03 | 28/11/2019
Tiêu dùng 19:07 | 28/08/2019
Kinh doanh 16:10 | 26/08/2019
Kinh doanh 10:42 | 26/08/2019
Kinh doanh 22:17 | 25/08/2019
Kinh doanh 20:19 | 25/08/2019
Kinh doanh 07:14 | 25/08/2019
Kinh doanh 18:49 | 24/08/2019