Năm qua, thị trường cá tra đầy khó khăn khi chịu thiệt hại kép: Dư cung và dịch COVID-19. Năm 2019, giá cá tra nguyên liệu liên tục lao dốc do dư cung. Đây cũng là hệ quả của việc người dân đổ dô nuôi khi giá cá tra đạt mức kỉ lục vào năm 2018, lên tới 36.000 đồng/kg.
Bước sang năm 2020, đại dịch COVID-19 nhanh chóng lan rộng trên toàn thế giới khiến hàng loạt nhà hàng phải đóng cửa kéo theo nhu cầu cá tra bị giảm sút.
Theo Tổng Cục Thủy sản, kim ngạch xuất khẩu cá tra tính đến 15/10 ước đạt 1,12 tỷ USD, giảm 27,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Giá giảm, tiêu thụ ở thị trường nước ngoài đi xuống và hệ quả tất yếu là nhiều hộ gia đình không thể bám trụ dẫn đến diện tích nuôi giảm mạnh.
Diện tích thả nuôi cá tra lũy kế tháng 11 là 5.485 ha, bằng 73,8% so với cùng kỳ năm 2019. Diện tích thu hoạch đạt 2.813 ha, bằng 52% so với cùng kỳ năm 2019.
Diện tích chưa thu hoạch ước đạt 2.672 ha. Sản lượng nuôi đạt hơn 900 nghìn tấn, bằng 83,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Thị trường cá tra những tháng cuối năm đón những "ánh nắng" vào cuối năm khi nhu cầu tại thị trường Trung Quốc thì cũng chính tại thị trường này, con cá tra Việt Nam lại tiếp tục gặp khó.
Giữa tháng 11, thành phố Thượng Hải yêu cầu tất cả thực phẩm đông lạnh nhập khẩu có nguy cơ cao được lưu trữ, chế biến và bán tại thành phố này phải vào kho quá cảnh để xét nghiệm COVID-19 và khử trùng bao bì việc giao hàng sẽ được thực hiện trực tuyến.
Trao đổi với người viết ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư kí VASEP, cho biết với qui định mới này, sẽ mất nhiều thời gian giao hàng hơn.
Trong khi đó, nhu cầu thủy sản Trung Quốc nói chung và Thượng Hải nói riêng đang rất cao bởi thời điểm cuối năm, các doanh nghiệp nhập khẩu tăng cường nhập hàng để chuẩn bị cho dịp Tết.
Điều này sẽ ảnh hưởng tới tiến độ giao hàng của doanh nghiệp, có nhiều đơn hàng đã chậm lại. Cái này sẽ phải làm việc với cơ quan hữu quan nhằm giải tỏa sớm để cung cấp đủ sản phẩm.
Ông Hòe cho biết hiện nay các đơn hàng giao phải chậm lại. Nếu như trước đây thời gian giao hàng khoảng một ngày thì giờ đây mất ít nhất ba ngày, tức gấp ba lần thời gian.
Cá tra là mặt hàng chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi đây là mặt hàng đang có sự phục hồi đáng kể tại thị trường Trung Quốc.
Trao đổi với người viết, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra cho rằng chu kì giảm cá giá cá tra kết thúc vào năm 2021. Nguyên nhân là do diện tích nuôi đang có xu hướng thu hẹp kéo theo sản lượng giảm, đẩy giá cá tra tăng trở lại.
"Chu kì giá cá tra giảm có thể kết thúc vào năm sau khi nguồn cung không còn dư thừa nữa", ông Quốc nói.
Trên thực tế, giá cá tra đang có xu hướng tăng trở lại trong những tháng cuối năm do nhu cầu ở thị trường Trung Quốc phục hồi. Theo đó, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh thuộc ĐBSCL trong tháng 11 tiếp tục giữ giá sau sự phục hồi từ tháng 10, dao động quanh mức 22.000-22.500 đồng/kg đối với cá tra loại I (700-900g/con).
Nếu so với đầu năm, giá cá tra tăng tới 18% và chính thức chạm mức hòa vốn sản xuất.
Đại diện Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng để phát triển ngành cá tra bền vững cần sản xuất có qui hoạch và nâng cao chất lượng theo chuẩn quốc tế, tránh xảy ra hiện tượng sản xuất ào ạt để rồi dư cung như thời gian qua.
"Hiện ngành cá tra đang sắp xếp lại bởi sau đợt khủng hoảng vừa qua, bà con nông dân không còn nhiều vốn để sản xuất. Đây cũng là cơ hội để tổ chức lại sản xuất, tập trung nuôi tại các doanh nghiệp lớn thay vì nhỏ lẻ, manh mún như trước đây", ông Quốc nói.
Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), kênh dịch vụ (nhà hàng, nhách sạn,…) vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong phân phối thủy sản sẽ tiếp tục hồi phục về mức trước dịch.
Xuất khẩu cá tra tại các thị trường lớn đều dưới mức sản lượng trung bình 4 năm. BSC kỳ vọng khi dịch Covid 19 kết thúc, nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng trưởng tốt trở lại.
Diện tích thu hoạch cá tra tại Đồng bằng Sông Cửu Long ĐBSCL đạt khoảng 1,800 ha, đây là mức thấp nhất trong 4 năm trở lại đây.
BSC cho rằng với mức giá cá tra nguyên liệu thấp như những tháng qua, đặc biệt là đầu năm 2020, cuối năm 2019, người nuôi phải chịu mức lỗ 3,000 – 5000 đồng/kg. Điều này gây tâm lý e ngại với việc mở rộng diện tích thả nuôi mới