TS. Đỗ Hữu Hoàng, Trưởng khoa Công nghệ hoá học, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM cho biết: "Ngành Công nghệ vật liệu là ngành nghiên cứu về mối quan hệ giữa thành phần, cấu trúc, các công nghệ chế tạo, xử lí và tính chất của các vật liệu. Thông thường đối tượng nghiên cứu là vật liệu ở thể rắn, sau đó mới đến thể lỏng, thể khí.
Các tính chất được nghiên cứu là cấu trúc, tính chất điện, từ, nhiệt, quang, cơ, hoặc tổ hợp của các tính chất đó với mục đích là tạo ra các vật liệu để thỏa mãn các nhu cầu trong kỹ thuật".
Sinh viên theo học ngành Công nghệ vật liệu được chú trọng học thực hành khoảng 60% khối lượng tín chỉ.
TS. Đỗ Hữu Hoàng phân tích thêm, sinh viên theo học ngành này được trang bị đầy đủ kiến thức thuộc khối cơ sở ngành như hóa đại cương, hóa vô cơ, hóa hữu cơ, hóa phân tích, các quá trình thiết bị cơ học và thủy lực, cơ sở khoa học vật liệu, hóa học và hóa lí polymer, truyền khối, truyền nhiệt, phương pháp phân tích và đánh giá vật liệu…
Đối với nội dung chương trình học của khối chuyên ngành, sinh viên sẽ được học hoa học chất rắn, ăn mòn và bảo vệ vật liệu, nguyên lí hấp thụ và đặc tính của vật liệu xốp, công nghệ vật liệu nano, công nghệ gia công các sản phẩm nhựa, công nghệ gia công cao su, kĩ thuật chất kết dính, kĩ thuật sản xuất sơn, thiết kế khuôn mẫu nhựa, thiết kế sản phẩm nhựa...
Ngoài khối kiến thức trên, sinh viên còn được trang bị kĩ năng chuyên môn như ứng dụng các kiến thức toán học, khoa học và kĩ thuật để giải quyết các bài toán trong các lĩnh vực công nghệ kĩ thuật hóa học.
Mục tiêu đào tạo giúp người học hiểu được cấu tạo, nguyên lí làm việc và vận hành các thiết bị; thiết kế, tiến hành thí nghiệm và xử lí kết quả; lựa chọn, tối ưu qui trình công nghệ trong điều kiện sản xuất; thiết kế một qui trình công nghệ sản xuất…
TS. Đỗ Hữu Hoàng chia sẻ thêm: "Sinh viên theo học ngành Công nghệ vật liệu được chú trọng học thực hành khoảng 60% khối lượng tín chỉ, tức là không phải lí thuyết suông và việc học sẽ không nhàm chán".
Sinh viên ngành Công nghệ vật liệu cơ hội việc làm đa dạng.
Cử nhân ngành Công nghệ vật liệu sau khi tốt nghiệp có thể làm kĩ sư công nghệ, quản lí điều hành sản xuất, kiểm soát chất lượng tại các cơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp (sản xuất nhựa, bao bì, vật liệu polimer, vật liệu composite, cao su, sơn, mực in, keo dán, gốm sứ, xi măng, gạch men, thủy tinh…).
Đối với những bạn đủ điều kiện và đam mê khởi nghiệp, có thể kinh doanh hóa chất, thiết bị trong lĩnh vực công nghệ vật liệu trong ngành.
Ngoài ra, cử nhân ngành này có thể làm việc trong các công ty thiết kế khuôn mẫu và sản phẩm nhựa; các công ty chế tạo vật tư và thiết bị dân dụng, thiết bị công nghiệp ngành công nghệ vật liệu; các công ty xuất nhập khẩu nguyên vật liệu.
Nghiên cứu viên tại các viện, trung tâm, các phòng thí nghiệm thuộc lĩnh vực công nghệ vật liệu cũng là lĩnh vực được nhiều sinh viên ngành này lựa chọn.
Những sinh viên đam mê nghiên cứu, có thể lựa chọn học tiếp lên trình độ sau đại học tại các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước.
TS. Đỗ Hữu Hoàng cho hay: "Tỉ lệ sinh viên ngành Công nghệ vật liệu ra trường có việc làm năm 2018 là 86%".
Trường | Mã tổ hợp xét tuyển | Điểm chuẩn năm 2018 |
---|---|---|
ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM | AOO, AO 1, D07, BOO | 15 - 20 điểm (tùy theo phương án xét tuyển) |
ĐH Bách khoa TP HCM | A00, A01, D07 | 18 điểm |
ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội | A00, A01, B00, C01 | 16 điểm |
ĐH Bách khoa Hà Nội | A00, A01 | 20 điểm |