Tại 'Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2019" tại ĐH Bách khoa Hà Nội sáng 17/3, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã có những tư vấn về kì thi THPT quốc gia và đăng kí xét tuyển năm 2019, các em có thể tham khảo.
TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT). Ảnh: Đình Tuệ.
Chia sẻ với chúng tôi, TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, thời điểm tư vấn hiện nay cho các em học sinh là rất phù hợp vì lúc này các em đang cần thông tin để cân nhắc chọn ngành, chọn trường trong thời gian sắp tới. Lần này tập trung các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu đều có mặt tại đây để tư vấn cho các em.
Bà Kim Phụng cho biết: "Hiện nay những qui định cơ bản về qui chế tuyển sinh ĐH, CĐ đã được điều chỉnh theo hướng các kì thi năm sau tốt hơn năm trước. Những thay đổi này chủ yếu về mặt kĩ thuật để đảm bảo độ tin cậy, khách quan.
Đề thi THPT quốc gia 2019 chủ yếu thuộc phạm vi kiến thức lớp 12, tương đối sát với đề thi tham khảo mà Bộ GD&ĐT đã công bố từ học kì 1 của năm học này. Điểm để xét tốt nghiệp có thay đổi về cơ cấu điểm. Điểm xét tốt nghiệp từ kết quả kì thi THPT quốc gia chiếm tỉ trọng 70%, điểm lấy từ quá trình tích lũy từ cấp THPT chỉ 30%.
Điều này để đảm bảo cho kì thi trên một mặt bằng chung đúng tính chất của kì thi THPT quốc gia. Các em có chứng chỉ, bằng trung cấp nghề được cộng điểm ưu tiên để đảm bảo giáo dục toàn diện".
Các thí sinh tự do sẽ được Sở GD&ĐT từng địa phương bố trí thi ở một điểm thi cùng với thí sinh xét tốt nghiệp (học sinh lớp 12) của năm nay. Quá trình tổ chức thi và chấm thi cũng có sự tham gia của các trường đại học nhiều hơn, nhất là trong khâu chấm thi trắc nghiệm. Các trường đại học không tham gia tổ chức thi ở địa phương đó.
Thí sinh tới tham dự 'Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2019' tại ĐH Bách khoa Hà Nội sáng 17/3. Ảnh: Đình Tuệ.
Về qui chế tuyển sinh đối với khối ngành sức khỏe và sư phạm sẽ có điểm sàn xét tuyển.
Có hai loại điểm sàn: Điểm sàn đối với những em xét tuyển từ kết quả tích lũy từ cấp THPT (học bạ) được qui định ngay trong qui chế tuyển sinh. Theo đó, đối với các ngành đào tạo bác sĩ, các thí sinh có điểm học bạ phải là loại giỏi.
Riêng các ngành khác của khối sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề thì phải có lực học loại khá trở lên.
Thông tin nói thí sinh phải có học lực giỏi, khá thì mới được xét tuyển vào ngành sức khỏe là chưa chính xác.
Cũng theo TS Kim Phụng, hàng năm, các trường khối ngành sức khỏe vẫn dùng khoảng 80% chỉ tiêu để xét chỉ tiêu từ điểm thi THPT quốc gia.
"Nếu các em đã trúng tuyển trường nào thì phải nộp bản chính giấy chứng nhận điểm thi THPT quốc gia vào trường đó. Nếu em nào có phúc khảo thì phải đổi lại chứng nhận điểm thi theo kết quả phúc khảo vào trường trúng tuyển, không được xét vào trường khác nữa.
Khi nào công bố kết quả thi THPT quốc gia 2019, phân tích phổ điểm của thí sinh vào các ngành có điểm sàn, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các Bộ quản lí ngành, các địa phương, trường ĐH đào tạo khối ngành sức khỏe ở các vùng miền để lập hội đồng tư vấn, tham mưu cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT để xác định điểm sàn phù hợp", bà Phụng nhấn mạnh.
Giáo dục 07:02 | 28/05/2019
Giáo dục 08:08 | 26/05/2019
Giáo dục 19:15 | 08/05/2019
Giáo dục 06:31 | 30/04/2019
Giáo dục 06:30 | 13/04/2019
Giáo dục 19:47 | 12/04/2019
Giáo dục 10:51 | 12/04/2019
Giáo dục 10:09 | 10/04/2019