Ngày càng khó sở hữu căn hộ chung cư tại Hà Nội

Nguồn cung mới hạn chế, giá sơ cấp tăng cao khiến người mua ngày càng khó tiếp cận với các sản phẩm căn hộ chung cư tại Hà Nội. Điều này thể hiện rõ qua việc tỷ lệ hấp thụ, lượng giao dịch sản phẩm mới sụt giảm trong quý vừa qua, dù nhu cầu thực tế rất cao.

Thị trường Hà Nội chưa có nhiều sản phẩm đáp ứng đa số khả năng chi trả của người dân. (Ảnh minh họa: Kiều Anh) 

Trong báo cáo mới công bố ngày 17/8, Savills cho biết, nguồn cung căn hộ sơ cấp toàn thị trường Hà Nội trong quý II/2022 đã giảm 12% theo quý và 16% theo năm, ở mức 17.925 căn. Trong đó, lượng sản phẩm mới chỉ đạt 1.598 căn, giảm 43% theo quý.

Nguồn cung hạn chế do các chủ đầu tư đang phải đối mặt với những thách thức về thủ tục pháp lý kéo dài, kiểm soát tín dụng bị thắt chặt và chi phí xây dựng gia tăng.

Giá bán sơ cấp trung bình là 45 triệu đồng/m2, tăng 6% theo quý và 20% theo năm.

Đáng chú ý, đang có sự chênh lệch rõ rệt giữa giá căn hộ trên thị trường sơ cấp và thứ cấp. Kể từ năm 2018, giá bán sơ cấp trung bình tăng 10%/năm, trong khi giá bán thứ cấp tăng 3%/năm. Trong 6 tháng đầu năm 2022, giá bán sơ cấp trung bình cao hơn giá bán thứ cấp 44%, tăng từ mức 14% vào năm 2018. 

Nguồn cung mới hạn chế cùng với giá bán sơ cấp tăng có thể khiến thị trường thứ cấp sôi động hơn, trong khi số lượng giao dịch sơ cấp giảm. Theo thống kê, lượng căn bán được trong quý II là 2.238 căn, giảm 44% theo quý và 54% theo năm. Tỷ lệ hấp thụ của các dự án mới mở bán chỉ dừng lại ở mức 30%.

Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu, Savills Hà Nội cho biết, nguồn cung sơ cấp trên thị trường Hà Nội không thấp nhưng chưa có nhiều sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực tế, đáp ứng đa phần nguồn cầu hiện nay. Điều này đã được phản ánh rõ qua lượng giao dịch.

Vị chuyên gia cũng cho rằng, giá bán sẽ khó có thể điều chỉnh mức theo chiều hướng hợp lý hơn được vì các yếu tố khiến giá sản phẩm tăng cao khó có thể được giải quyết ngay trong thời gian tới, như thủ tục pháp lý kéo dài, chi phí đất tăng, chi phí đầu tư cho tiện ích kèm theo... 

Trong khi đó, nguồn cung nhà ở vẫn đang và sẽ rất mạnh mẽ. Dân số Hà Nội dự kiến sẽ đạt 9,1 triệu người vào năm 2025 và 9,8 triệu người vào năm 2030. Tăng trưởng Tổng Sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2026 -  2030 dự kiến đạt 8,5% và GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 12.500 USD. 

Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đạt 29,5 m2/người và tăng lên 32 m2 vào năm 2030. Đến năm 2025, dự kiến có 19,7 triệu m2 căn hộ và tăng thêm 15,2 triệu m2 vào năm 2030.

Tuy vậy, chuyên gia Savills dự đoán, 6 tháng cuối năm, thị trường căn hộ Hà Nội sẽ sôi động khi có 14 dự án mới và giai đoạn tiếp theo của hai dự án được tung ra thị trường, cung cấp thêm khoảng 11.726 căn. Hiện tại, 13 dự án với 7.484 căn đang trong giai đoạn hoàn thiện, xây dựng hoặc làm nền móng. 

chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.