Ngày Quốc tế Hòa bình được thành lập vào năm 1981 theo nghị quyết 36/67 của Liên Hợp Quốc. Đại hội đồng đã tuyên bố sự kiện này là ngày để “tưởng nhớ và củng cố các lý tưởng hòa bình trong nội bộ đất nước, cũng như giữa tất cả các quốc gia và dân tộc”
Ngày Quốc tế Hòa bình được tổ chức trên khắp thế giới vào ngày 21/9 hàng năm.
Đây chính là dịp để tất cả người dân của các quốc gia trên thế giới, không phân biệt dân tộc, các nhóm chính trị và quân sự cùng cam kết tuân thủ các chính sách vì sự hòa bình, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa hòa bình.
Mục đích đầu tiên của Liên Hợp Quốc khi tổ chức ngày Quốc tế Hòa Bình là để tôn vinh nền hòa bình thế giới, qua đó kêu gọi chấm dứt chiến tranh và bạo lực.
Đây còn là dịp để tổ chức các lệnh ngừng bắn tạm thời trong vùng chiến sự, hỗ trợ các lực lượng cứu trợ nhân đạo thi hành sứ mệnh bảo vệ hòa bình và an toàn của nhân loại.
Ngoài ra, ngày Quốc tế Hòa bình còn là một cách để thu hút sự chú ý của thế giới đến tình trạng xung đột bạo lực và lạm dụng nhân đạo liên tục xảy ra hàng ngày.
Giải thích một cách đơn giản, hòa bình có nghĩa là sự tự do, là khoảng thời gian yên bình khi bạn không bị quấy rầy bởi bất kỳ ai hoặc bất cứ điều gì. Từ phạm vi cá nhân đến quy mô toàn cầu, hòa bình đều đòi hỏi sự tôn trọng và lòng trắc ẩn.
Để có được sự hòa bình, mọi người cần phải dành thời gian để hiểu nhau và cùng nhau tìm ra giải pháp cho các vấn đề. Thay vì sử dụng các cách tiếp cận tiêu cực khác như bạo lực để giải quyết khó khăn và gây ra đau đớn và tổn thất cho nhân loại.
Chính vì vậy, ngày Quốc tế Hòa bình giữ vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện cho các giải pháp hòa bình được hiện thực hóa.
Mỗi năm, sự kiện Quốc tế Hòa bình sẽ có một chủ đề khác nhau. Vào năm 2020, chủ đề được Liên hợp quốc đề ra là "Cùng nhau định hình hòa bình". Trong khi vào năm 2021, ngày này có chủ đề là "Phục hồi tốt hơn vì một thế giới bình đẳng và bền vững".
Chủ đề của Ngày Quốc tế Hòa bình năm 2022 là “Chấm dứt phân biệt chủng tộc. Xây dựng hòa bình”.
Ông António Guterres, Tổng Thư ký Liên hợp quốc, nhận định rằng: “Phân biệt chủng tộc đã và đang tiếp tục ‘đầu độc’ các thể chế, cấu trúc xã hội và cuộc sống hàng ngày trong mọi quốc gia. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất bình đẳng dai dẳng.
Điều này từ chối các quyền cơ bản của con người, làm mất ổn định xã hội, phá hoại nền dân chủ, làm xói mòn tính hợp pháp của các chính phủ. Mối liên hệ giữa sự phân biệt chủng tộc và bất bình đẳng giới đang được nhận thấy một cách rõ ràng”.
Theo đó, Liên Hợp Quốc muốn gửi đến các quốc gia thông điệp như sau: “Hãy cùng chung tay nỗ lực để hướng tới một thế giới không còn phân biệt và kỳ thị chủng tộc. Một thế giới nơi lòng trắc ẩn và sự đồng cảm vượt lên trên cả sự nghi ngờ và hận thù. Một thế giới mà chúng ta có thể thực sự tự hào khi nhắc đến”.
Vào ngày Quốc tế Hòa bình hàng năm, người dân ở các thành phố, cộng đồng và mọi nơi trên toàn thế giới đã cùng hưởng ứng sự kiện này theo nhiều cách thức đa dạng và ý nghĩa.
Dưới đây là một số hoạt động nổi bật trong ngày Quốc tế Hòa bình:
- Sự kiện truyền thống “Lễ Rung chuông Hòa bình” tại Trụ sở Liên hợp quốc lúc 9h sáng theo múi giờ ban ngày phương Đông (EDT). Trong năm 2022, Đại hội đồng sẽ tổ chức lễ vào ngày 16/9.
- “Phút im lặng - Khoảnh khắc bình yên” là hoạt động dành thời gian tĩnh lặng và cầu nguyện cho hòa bình của thế giới vào lúc 12h trưa ngày 21/9 (ở tất cả các múi giờ).
Hoạt động này còn có tên gọi quốc tế là Peace Wave, được khởi xướng từ lần tổ chức đầu tiên của Ngày Quốc tế Hòa bình (21/9/1982) và đã tiếp tục lan rộng trên toàn thế giới theo nhiều cách.
- Thiết kế các áp phích cổ động hòa bình và treo chúng ở những nơi công cộng.
- Tổ chức một buổi hội thảo gồm có các diễn giả, chuyên gia để chia sẻ về các vấn đề chiến tranh, bạo lực hoặc bất công trong xã hội và cùng tìm hiểu cách để mang đến hòa bình.
- Tổ chức một buổi tham quan, tưởng nhớ tại các bảo tàng lịch sử hoặc đài tưởng niệm chiến tranh.
- Xem các bộ phim hoặc video phản đối chiến tranh để thúc đẩy hòa bình.
- Đọc sách và tổ chức một cuộc thảo luận về các quyển sách có chủ đề hòa bình.
- Đánh dấu sự kiện này bằng một hoạt động xã hội lớn như làm chim bồ câu hoặc chim hạc hòa bình khổng lồ, đèn lồng hòa bình, thắp nến,...