Được Liên Hợp Quốc chính thức hóa vào năm 1977, 8/3 được nhắc đến như ngày Quốc tế Phụ nữ hay ngày Liên Hiệp Quốc vì Nữ quyền và Hòa bình quốc tế.
Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 trở thành ngày lễ chính thức tại nhiều nơi như Nga, Trung Quốc, Nepal, Ukraina, Campuchia, Cuba, Uzbekistan, Mông Cổ, Lào, Kazakhstan, Việt Nam… trong khi một số nước lại bỏ qua dịp lễ lớn này.
Trong lịch sử, 8/3 được coi là ngày để biểu tình tại một vài quốc gia; bên cạnh đó, đây cũng là dịp tôn vinh phái nữ ở nhiều khu vực, lãnh thổ khác trên thế giới.
Thông thường, để kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ, người ta sẽ tổ chức các hoạt động liên hoan, diễu hành đòi quyền bình đẳng với nam giới về mức lương, điều kiện an sinh xã hội, cơ hội giáo dục đào tạo và thăng tiến trong nghề nghiệp… Bên cạnh đó, mỗi quốc gia cũng sẽ có những quan niệm khác biệt về chuyện tặng hoa hay quà trong ngày này. Phụ nữ châu Âu và Bắc Mỹ thường từ chối nhận hoa trong khi tại Việt Nam, nữ giới sẽ nhận hoa, quà cũng như góp mặt trong các sự kiện được tổ chức bởi nam giới.
Lịch sử của ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 có thể được tóm tắt qua những sự kiện tiêu biểu như:
- Ngày 28/2/1909, lễ kỷ niệm ngày Phụ nữ được tổ chức sớm nhất tại New York, Mỹ. Buổi lễ này do đảng Xã hội Mỹ thực hiện để tưởng niệm cuộc đình công năm 1908 của Hiệp hội Công nhân May mắn Quốc tế.
- Ngày 8/3/1910, trong Hội nghị Phụ nữ do Quốc tế thứ II tổ chức, nữ chủ tịch Clara Zetkin người Đức đã đề nghị chọn ra một ngày làm ngày Quốc tế Phụ nữ, nhằm biểu dương những người phụ nữ đã có công đấu tranh trên toàn thế giới.
- Ngày 19/3/1911, Áo, Đan Mạch, Đức và Thụy Sĩ là những quốc gia đầu tiên tổ chức ngày Quốc tế Phụ nữ với hơn một triệu người tham gia.
- Năm 1913, ngày Phụ nữ Quốc tế đầu tiên đã được tổ chức tại Nga. Lễ tổ chức rơi vào ngày thứ Bảy cuối cùng của tháng 2.
- Ngày 8/3/1914 rơi vào Chủ nhật và cũng là ngày Quốc tế Phụ nữ được tổ chức tại nhiều nơi trên thế giới. Kể từ đó, ngày này được chính thức tổ chức vào 8/3 hàng năm ở tất cả các quốc gia.
- Ngày 8/3/1917, phụ nữ Nga tại Saint Petersburg đã ra đường biểu tình đình công, đòi chấm dứt chế độ Sa hoàng. Sự kiện này đã góp phần rất lớn trong cuộc Cách mạng tháng Mười Nga. Đến năm 1965, 8/3 trở thành ngày nghỉ ở Liên Xô và được kỷ niệm như các ngày lễ khác. Sau khi áp dụng chính thức ở Liên Xô vào năm 1917, ngày 8/3 được kỷ niệm tại nhiều nước cộng sản và phong trào cộng sản trên toàn thế giới.
- Năm 1977, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã quyết định lấy ngày 8/3 là ngày của Liên Hợp Quốc về quyền phụ nữ và hòa bình thế giới.
Trong Đại hội Phụ nữ Quốc tế họp tại Copenhagen, Đan Mạch, hội nghị đã quyết định lấy ngày 8/3 là ngày “Quốc tế Phụ nữ”, ngày đấu tranh của toàn thể phụ nữ trên thế giới với khẩu hiệu được đưa ra lúc đó là: “Ngày làm 8 giờ”, “Việc làm ngang nhau, tiền lương ngang nhau”, “Bảo vệ bà mẹ và trẻ em”.
Đóng vai trò là một nửa của thế giới, vừa tham gia lao động xã hội, vừa giữ thiên chức làm mẹ đầy cao cả, những người phụ nữ xứng đáng được xã hội tôn vinh cũng như bù đắp những thiệt thòi, vất vả trong cuộc sống. Cũng bởi lẽ đó mà ngày 8/3 ra đời nhưng một dịp để tôn vinh, ca ngợi những công lao to lớn mà người phụ nữ đã đóng góp cho gia đình, xã hội, đất nước.
Bàn về ý nghĩa của ngày 8/3 thì trong dịp này, đàn ông tại nhiều quốc gia trên thế giới thường tặng những người phụ nữ xuất hiện trong cuộc sống của họ như mẹ, vợ, bạn gái, con gái, cháu gái, đồng nghiệp… những bó hoa và món quà nhỏ như một cách bày tỏ tình cảm của mình.
Bên cạnh đó, rất nhiều lời chúc và các sự kiện ý nghĩa cũng được tổ chức trong ngày 8/3 nhằm gửi gắm tình cảm yêu thương, trìu mến và lòng biết ơn sâu sắc đến những người phụ nữ trong xã hội.
Tại Việt Nam, 8/3 còn là ngày kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng - những nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ vững bờ cõi, giang sơn đất nước. Cũng bởi những lý do trên mà 8/3 trở thành ngày lễ vô cùng quan trọng, được tổ chức một cách ý nghĩa hàng năm.