Nguồn gốc ngày 1/6 (Quốc tế Thiếu nhi) bắt nguồn từ một sự kiện lịch sử buồn của thế giới, đó chính là giai đoạn chiến tranh thế giới thứ II.
Vào rạng sáng ngày 1/6/1942, phát xít Đức đổ bộ vào làng Lidice (Tiệp Khắc) bắt 173 đàn ông và 196 người bao gồm phụ nữ và trẻ em. Tại đây, chúng đã sát hại dã man 66 người và đưa 104 em nhỏ vào trại tập trung. Sau đó, chúng đã nhốt 88 em vào phòng có hơi độc và 9 em khác bị đưa đi làm tay sai cho phát xít Đức. Kể từ đó, ngôi làng Lidice không còn một bóng người.
Hai năm sau, vào ngày 10/6/1944, phát xít Đức lại bao vây thị trấn Oradour Sur Glane (Pháp) và dồn 400 người (gồm nhiều phụ nữ và trẻ em) vào nhà thờ, phóng hỏa đốt cháy một cách thảm thương.
Để tưởng nhớ đến hàng trăm trẻ em vô tội bị phát xít Đức sát hại nhẫn tâm, vào năm 1949, Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế đã quyết định lấy ngày 1/6 hằng năm làm ngày quốc tế bảo vệ trẻ em.
Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6) ra đời với ý nghĩa bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp đối với trẻ em trên toàn thế giới. Đồng thời, ngày này còn thúc đẩy chính phủ các nước có trách nhiệm hơn về đời sống thiếu nhi thông qua việc tăng ngân sách giáo dục cho thiếu niên và nhi đồng.
Bên cạnh đó, ngày lễ này còn mang ý nghĩa biểu dương những lực lượng đấu tranh chống các thế lực gây chiến tranh để bảo vệ cho phụ nữ và trẻ em trên toàn thế giới.
Song song đó, ngày 1/6 còn là dịp để nâng cao nhận thức về các quyền của trẻ em do Hiệp hội quốc tế về quỹ cứu trợ trẻ em đưa ra, bao gồm:
- Trẻ em phải được tạo điều kiện để phát triển bình thường về thể chất và tinh thần.
- Trẻ em đói phải được ăn; ốm đau phải được chữa bệnh; chậm phát triển phải được nâng đỡ; trẻ em hư phải được dìu dắt; mồ côi và không người thừa nhận, phải được thu nhận, cưu mang.
- Trẻ em phải được ưu tiên cứu giúp khi xảy ra hoạn nạn.
- Trẻ em phải được tạo khả năng để có công ăn việc làm và phải được bảo vệ chống mọi hình thức bóc lột.
- Trẻ em phải được nuôi dạy với tinh thần được phát huy những năng lực tốt nhất nhằm phục vụ loài người.
Ảnh: Duyên dáng Việt Nam
Để tôn vinh ngày Quốc tế Thiếu nhi, các quốc gia và tổ chức từ thiện trên thế giới đã thực hiện những hoạt động nhằm bảo vệ lợi ích của trẻ em qua các năm theo từng chủ đề như sau:
- Năm 2015: Chủ đề “Ngăn chặn bạo lực đối với trẻ em”, lên án tình trạng lạm dụng tinh thần và thể chất của nhiều trẻ em trên toàn thế giới và tập trung nỗ lực để chấm dứt tình trạng này.
- Năm 2016: Chủ đề “Chấm dứt bạo lực đối với trẻ em”, hướng về các em nhỏ bị mất tích, với lời nhắn nhủ “Đừng quên” (Let’s not forget) và nỗ lực gửi thông điệp toàn cầu tới các bậc phụ huynh – hãy bảo vệ con em mình và đoàn kết để ngăn chặn hiện tượng này.
- Năm 2017: Chủ đề “It's a #KidsTakeOver”, trẻ em từ khắp nơi trên thế giới được UNICEF mời nói lên mối quan tâm của mình về hàng nghìn bạn bè và người thân của chúng không được đi học và không được bảo vệ.
- Năm 2018: Chủ đề “Trẻ em đang chiếm lĩnh và biến thế giới trở thành màu xanh”, nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền trẻ em trên mạng xã hội cũng như các nền tảng khác.
- Năm 2019: Chủ đề “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, nhắc nhở công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em cần được thực hiện mọi lúc, mọi nơi để tất cả trẻ em đều có một tuổi thơ tươi vui, một tương lai tốt đẹp nhất.
- Năm 2020: Chủ đề “Một tương lai tốt đẹp hơn cho mọi trẻ em”, mang đến sự bảo vệ tốt nhất cho trẻ em trước xuất hiện của đại dịch COVID-19 cùng các vấn đề về biến đổi khí hậu và phân chia giáo dục.
- Năm 2021: Chủ đề “Một tương lai tốt đẹp hơn cho mọi trẻ em”, nêu bật các quyền của trẻ em và nói về tác động của đại dịch COVID-19 đối với cuộc sống của trẻ em.
- Năm 2022: Chủ đề “Một tương lai tốt đẹp hơn cho mọi trẻ em”, kêu gọi xã hội ủng hộ, tôn vinh và thúc đẩy quyền trẻ em để đảm bảo tương lai của mọi trẻ em.
Ảnh: Lạc Yên