“Ngày Thần Tài năm 2024 là ngày nào?” là một câu hỏi được rất nhiều người thắc mắc và quan tâm vào dịp đầu năm mới, đặc biệt là các doanh nghiệp và thương nhân.
Theo truyền thống dân gian, ngày vía Thần Tài sẽ diễn ra vào ngày mùng 10 tháng Giêng Âm lịch hằng năm. Nếu tính theo Dương lịch, ngày Thần Tài 2024 sẽ rơi vào thứ Ba, ngày 19/2/2024.
Vào ngày này, nhiều gia đình và doanh nghiệp sẽ thực hiện các phong tục truyền thống để bày tỏ lòng biết ơn với Thần Tài về những điều may mắn và phú quý đã đến trong năm vừa qua, đồng thời mong sự an lành và tài lộc phồn thịnh cho năm mới.
Về nguồn gốc, phong tục thờ cúng Thần Tài xuất phát từ Trung Quốc và nhanh chóng du nhập vào các nền văn hóa của các quốc gia Châu Á khác, bao gồm cả Việt Nam.
Theo đó, một truyền thuyết xa xưa kể rằng ngày 10 tháng Giêng chính là ngày mà Thần Tài bay về Trời phục mệnh sau một thời gian dài ở nhân gian.
Trong khoảng thời gian Thần Tài ở nhân gian, Ngài đã giúp đỡ mọi người làm ăn phát đạt và gặp nhiều may mắn. Do đó, mỗi khi đến ngày 10 tháng Giêng hàng năm, người dân thường tổ chức lễ cúng và mua vàng để bày tỏ lòng biết ơn và hy vọng Thần Tài sẽ tiếp tục ban phước và sự phù hộ trong cuộc sống của mình.
Ngoài ra, trong tín ngưỡng phương Đông, Thần Tài đảm nhiệm vai trò trông coi của cải, tài lộc cho gia chủ. Vị thần này được kỳ vọng sẽ mang lại may mắn, giúp công việc kinh doanh của gia chủ diễn ra thuận lợi và ít gặp trở ngại.
Chính vì vậy, ngày Thần Tài trở nên đặc biệt quan trọng đối với những người hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh. Bên cạnh việc chuẩn bị lễ vật cúng Thần Tài, mọi người cũng thường mua vàng cầu may vào ngày này nhằm đem lại nhiều may mắn, tài lộc, giúp công việc buôn bán được hanh thông và tạo khởi đầu thuận lợi cho năm mới.
Như đã đề cập ở trên, người dân Việt Nam thực hiện nhiều hoạt động truyền thống trong ngày Thần Tài để cầu mong một năm mới đầy tài lộc và may mắn. Cùng tìm hiểu một số hoạt động phổ biến nhất trong ngày vía Thần Tài sau đây.
Việc dọn dẹp bàn thờ trước khi tiến hành lễ cúng ngày Thần Tài là một hoạt động quan trọng mà gia chủ không thể bỏ qua nhằm thể hiện lòng thành kính với thần linh.
Thông thường, mọi người sẽ sử dụng nước lá bưởi hoặc rượu pha loãng với nước sạch để tẩy trần bàn thờ. Khi vệ sinh bàn thờ Thần Tài, bạn không nên sử dụng chung các vật dụng lau dọn cho công việc khác, đồng thời hạn chế di chuyển vị trí bát hương để duy trì sự linh thiêng của không gian thờ cúng.
Cúng Thần Tài được xem là một nghi lễ có ý nghĩa quan trọng trong văn hóa tâm linh Việt Nam. Ngoài việc chuẩn bị lễ vật cúng đầy đủ, khi thực hiện lễ cúng bạn cũng cần ăn mặc chỉnh tề, đọc bài cúng to và rõ ràng nhằm thể hiện lòng biết ơn, kính trọng đối với Thần Tài.
Một trong những hoạt động truyền thống khác thường được thực hiện trong ngày Thần Tài chính là thỉnh tượng Thần Tài về nhà.
Theo quan niệm dân gian, Thần Tài sẽ xuất hiện vào ngày này để phân phát tài lộc cho mọi người. Vì vậy, việc thỉnh tượng Thần Tài sẽ mang lại nhiều may mắn và phú quý cho gia chủ.
Tuy nhiên, gia chủ cần lưu ý một số bước quan trọng trước khi thỉnh ông địa Thần Tài về nhà. Đầu tiên, tượng Thần Tài cần được bọc trong giấy đỏ hoặc đặt trong hộp sạch từ cửa hàng, sau đó gia chủ đưa tượng đến chùa và nhờ các sư thầy thực hiện nghi lễ cúng, chú nguyện và nhập thần.
Cuối cùng, khi lễ cúng được hoàn hành, gia chủ mới có thể thỉnh Thần Tài về nhà để thờ cúng và cầu mong sự bảo hộ, tài lộc từ Thần Tài trong cuộc sống hàng ngày.
Ngày Thần Tài cũng là thời điểm mà mọi người mua sắm những vật phẩm phong thủy để trưng bày trong nhà hoặc tặng cho người thân nhằm mang lại nhiều may mắn về tài chính.
Một số vật phẩm được nhiều người ưa chuộng gồm có các linh thú phong thủy như tỳ hưu, thiềm thừ, con cóc ngậm tiền, hoặc các loại đá phong thuỷ.
Phong tục mua vàng vào ngày vía Thần Tài không chỉ để cúng lễ trên bàn thờ Thần Tài, mà còn được xem là một cách tích trữ của cải với hi vọng một năm mới thịnh vượng và tài lộc phát triển mạnh mẽ.
Đặc biệt, trong thời gần đây, mọi người có xu hướng mua những vật phẩm vàng mang hình tượng con giáp linh vật của năm. Theo lịch Can chi, năm 2024 là năm Giáp Thìn vì vậy các vật phẩm hình linh vật Rồng vàng sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo trong ngày vía Thần Tài.
Ngoài các hoạt động truyền thống trong gia đình, ngày Thần Tài còn được tổ chức thành lễ hội tại nhiều địa phương trên khắp Việt Nam.
Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán 2024, lễ hội Thần Tài sẽ được tổ chức tại khu du lịch Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài, dự kiến thu hút đông đảo du khách đến tham dự.
Một số hoạt động văn hóa truyền thống diễn ra trong lễ hội gồm có hái lộc đầu năm, treo dây ước nguyện, khai bút đầu Xuân, múa lân, múa rồng và các trò chơi dân gian.