Nếu có ý định đi chùa ngày vía Thần Tài tới đây, bạn có thể ghé thăm một trong những điểm cầu tài lộc nổi tiếng linh thiêng dưới đây:
Chùa Ngọc Hoàng hay Phước Hải Tự vốn được biết đến là một trong những ngôi chùa linh thiêng có tiếng tại TP HCM. Vào mỗi dịp đầu năm, ngày rằm hay lễ Thần Tài, nơi đây lại thu hút đông đảo du khách gần xa tới thắp hương, cầu khấn tài lộc trong năm mới. Chùa thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, Huyền Thiên Bắc Đế tại chính điện. Bên cạnh đó còn có cả Quan Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát và các thần linh quen thuộc trong tín ngưỡng dân gian của người Hoa như Thiên Lôi, Thổ Địa, Táo Quân, Hà Bá, Thái Tuế, Nữ Oa Thánh Mẫu…
Vào ngày vía Thần Tài mùng 10 tháng Giêng Âm lịch hàng năm, người dân và du khách ghé chùa Ngọc Hoàng thường dâng mâm lễ, nhang hương lên các vị thần nhằm cầu mong cho năm mới ấm no sung túc, tiền bạc đủ đầy. Sau khi thắp hương, làm lễ xong, người cúng thường xin số hay bùa hộ mạng… với niềm tin sẽ nhận được sự nâng đỡ, che chở và phù hộ từ các vị thần linh.
Địa chỉ: Số 73 đường Mai Thị Lựu, quận 1
Tọa lạc tại số 676 đường Nguyễn Trãi, quận 5, chùa Ông cũng được nhiều người nhắc đến như là địa điểm tâm linh nổi tiếng để cầu tài lộc, may mắn trong ngày vía Thần Tài. Theo thông lệ, cứ vào ngày mùng 10 tháng Giêng Âm lịch hàng năm, người dân quanh TP HCM lại đổ về cúng bái, làm lễ tại điện Thần Tài trong chùa với mong muốn năm mới thêm hạnh phúc, viên mãn, sung túc đầy nhà. Ngoài cầu tài lộc thì chùa Ông còn là nơi khá linh thiêng với nhiều đôi nam nữ về phần tình duyên. Bên cạnh đó, các cặp vợ chồng cũng hay đến đây để cầu tự đường con cái được suôn sẻ và thuận lợi hơn.
Địa chỉ: Số 676 đường Nguyễn Trãi, phường 11, quận 5
Tọa lạc trong một khuôn viên rộng rãi với diện tích lên tới 6.000m vuông, chùa Vĩnh Nghiêm được coi là một trong số những công trình kiến trúc tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX. Chùa sở hữu ba hạng mục chính, đó là Tam quan, tòa nhà trung tâm và các Bảo tháp. Bên trong là các bàn thờ Phật Thích Ca, Phật A Di Đà, Bồ Tát Văn Thù, Bồ Tát Phổ Hiền, Địa Tạng Đường…
Chùa Vĩnh Nghiêm là địa điểm tâm linh được nhiều người trong và ngoài nước ghé thăm, cúng bái. Trong ngày mùng 10 tháng Giêng Âm lịch hàng năm, người dân và du khách thường ghé nơi đây để làm lễ cúng vía Thần Tài với mong ước sang năm mới được sung túc, ấm no, buôn may bán đắt, tiền bạc đủ đầy.
Địa chỉ: 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Võ Thị Sáu, quận 3
Nằm cách trung tâm thành phố khoảng 16km về phía Đông Nam, chùa Phổ Quang nổi tiếng với bề dày lịch sử lâu đời cùng kiến trúc đẹp mắt, ấn tượng. Chùa được khởi công xây dựng từ năm 1951 dưới thời hòa thượng Nguyễn Viết Tạo (pháp danh Thanh Nhã).
Hằng năm, chùa Phổ Quang chào đón vô số người dân và du khách đến chiêm bái, vãn cảnh. Đặc biệt, dịp vía Thần Tài mùng 10 tháng Giêng, ngôi chùa này tấp nập hơn cả với những người tìm đến cúng bái, tạ lễ mong cầu may mắn, tài lộc đến với gia đình và người thân.
Địa chỉ: Số 64/3 Huỳnh Lan Khanh, phường 2, quận Tân Bình
Tọa lạc tại góc đường Bà Huyện Thanh Quan và Sư Thiện Chiếu, chùa Xá Lợi được xây dựng theo lối kiến trúc mới, bao gồm chánh điện thờ Phật, giảng đường, tháp chuông… Nét đặc sắc của chùa Xá Lợi phải kể đến công trình Tháp chuông được khánh thành vào năm 1961 gồm 7 tầng với chiều cao lên đến 32m.
Mỗi khi có cơ hội ghé thăm chùa Xá Lợi, du khách thập phương đều mong muốn được một lần chạm tay vào chiếc chuông đồng quý giá đặt trên tầng cao nhất của ngọn tháp. Không chỉ vậy, trong ngày vía Thần Tài hàng năm, người dân thường chuẩn bị mâm lễ vật sao cho đầy đủ, tươm tất nhất để dâng lên các vị thần linh, cầu mong cho năm mới sung túc, ấm no trọn vẹn.
Địa chỉ: Số 89 đường Bà Huyện Thanh Quan, quận 3
Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, người dân có ý định đi chùa trong ngày vía Thần Tài nên tuân thủ một số khuyến cáo sau nhằm đảm an toàn cho bản thân và cộng đồng:
- Đeo khẩu trang tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay
- Giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác trong quá trình di chuyển tại chùa
- Không tụ tập đông người
- Nếu không thể trực tiếp vào trong chùa làm lễ, mọi người có thể vái vọng trước cổng để bày tỏ lòng thành tâm