Nghệ An đặt mục tiêu thành Trung tâm sản xuất chế biến, xuất khẩu gỗ của Bắc Trung Bộ và miền Trung

Đề án đầu tư xây dựng “Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ tại tỉnh Nghệ An” cơ bản đã hoàn thiện các thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Ngày 1/12, tại Hội nghị Giải pháp thúc đẩy sản xuất chế biến và xuất khẩu lâm sản năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết, địa phương đang tập trung thu hút đầu tư, mục tiêu trở thành Trung tâm sản xuất chế biến và xuất khẩu gỗ lớn ở Bắc Trung Bộ và khu vực miền Trung, báo Nghệ An đưa tin.

Theo ông Hoàng Nghĩa Hiếu, trên địa bàn tỉnh có hệ thống giao thông đồng bộ gồm đường bộ, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu... liên kết với toàn vùng Bắc Trung Bộ và cả nước, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế nói chung và ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu lâm sản nói riêng.

Trong giai đoạn 2010 - 2020, công tác quản lí bảo vệ, sử dụng, phát triển rừng; chế biến và thương mại lâm sản đã đạt được một số thành tựu nhất định. 

Tốc độ phát triển rừng trên địa bàn tỉnh tăng trưởng khá nhanh, diện tích rừng trồng hàng năm tăng lên đã v­ượt quá tốc độ suy thoái vốn rừng và mang lại hiệu quả kinh tế thực sự cho người dân địa phương.

Tuy nhiên, Phó Chủ  tịch UBND tỉnh Nghê An chỉ rõ, lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp từ khâu sản xuất giống, trồng rừng, thâm canh rừng, khai thác rừng, đến công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ vùng Bắc Trung Bộ nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng vẫn chưa thực sự phát triển, chưa hình thành được chuỗi giá trị. 

Sản phẩm gỗ xuất khẩu chủ yếu còn ở dạng thô, qua nhiều khâu trung gian, chưa có sản phẩm chế biến sâu, chưa tạo được thương hiệu, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước nên hiệu quả kinh tế đem lại chưa cao. 

Các tỉnh trong vùng đầu tư phát triển lĩnh vực chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ còn manh mún tự phát, chưa thực sự chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ mới, công nghệ cao vào sản xuất, đặc biệt thiếu tính liên kết giữa các tỉnh trong vùng.

Theo đó, nhấn mạnh vai trò của phát triển khoa học công nghệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu cho rằng ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực lâm nghiệp nói riêng cũng như lĩnh vực nông nghiệp nói chung ngày càng thể hiện sự hiệu quả vượt trội trong quá trình quản lí, sản xuất.

Với những yêu cầu tất yếu của thực tiễn đặt ra, việc đầu tư xây dựng “Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ tại tỉnh Nghệ An” càng trở nên cấp thiết hơn. 

Đề án đã được sự đồng ý về chủ trương của Thủ tướng Chính phủ. Hiện tại, tỉnh Nghệ An và Bộ NN&PTNT và các bộ ngành liên quan đã cơ bản hoàn thiện các thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án.

Đề án này sẽ góp phần phát huy những lợi thế, thế mạnh của tỉnh Nghệ An cũng như của vùng Bắc Trung Bộ để quản lí và phát triển bền vững ngành và tái cơ cấu lại ngành lâm nghiệp hiệu quả.

Từ đó góp phần đưa chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ thành một ngành kinh tế động lực trong sản xuất và xuất khẩu của vùng, thực hiện tốt định hướng quốc gia, trở thành một trong ba khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao được định hướng xây dựng trong cả nước theo Quyết định 38 của Thủ tướng Chính phủ. 

Phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản giai đoạn 2020 - 2025 của vùng Bắc Trung Bộ đạt khoảng hai tỉ USD, định hướng đến năm 2035 đạt khoảng 3 tỉ USD, tham gia vào kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ của cả nước đến năm 2025 đạt từ 18 - 20 tỉ USD.

Nghệ An muốn trở thành Trung tâm sản xuất chế biến, xuất khẩu gỗ lớn của Bắc Trung Bộ và miền Trung - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ NN&PTNT cùng lãnh đạo tỉnh tham quan sản phẩm chế biến từ gỗ trưng bày tại hội nghị. (Ảnh: Báo Nghệ An).

Nhận định về cơ hội của ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản trong giai đoạn mới, theo báo Chính phủ, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, cho biết thị trường thương mại đồ nội thất của thế giới là rất lớn, khoảng 450 tỉ USD giá trị thương mại/năm; trong đó khoảng 150 tỉ USD giá trị thương mại của đồ nội thất bằng gỗ. 

Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam mới chiếm khoảng trên 6% thị phần toàn cầu nên các doanh nghiệp có cơ hội mở rộng, phát triển thị phần. Bên cạnh, các thị trường truyền thống có giá trị xuất khẩu cao.

Việt Nam cũng có nhiều mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh như: viên nén, dăm gỗ, gỗ dán, gỗ ghép, đồ mộc xây dựng, ghế ngồi, các đồ nội thất và bộ phận đồ nội thất… Đặc biệt, với nhóm đồ nội thất có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong các nhóm hàng xuất khẩu gỗ và lâm sản sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong thời gian tới. 

Cùng với đó, các Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu về thực thi Luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT), EVFTA và các hiệp định thương mại khác đang là cơ hội cho ngành chế biến, gỗ, lâm sản xuất khẩu.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.