Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Nghệ An, vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt Chương trình phát triển đô thị Đô Lương, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An đến năm 2030.
Phạm vi nghiên cứu thuộc địa giới của 14 đơn vị hành chính huyện Đô Lương, tổng diện tích tự nhiên khoảng 7.930 ha, gồm thị trấn Đô Lương hiện hữu, toàn bộ diện tích 11 xã Bồi Sơn, Tràng Sơn, Đặng Sơn, Đông Sơn, Nam Sơn, Bắc Sơn, Yên Sơn, Văn Sơn, Đà Sơn, Lạc Sơn, Lưu Sơn và một phần diện tích hai xã Thịnh Sơn, Hòa Sơn.
Toàn khu vực đô thị Đô Lương sẽ có 5 khu vực phát triển đô thị, gồm khu vực phát triển đô thị số 1 nằm tại thị trấn Đô Lương (hiện hữu) và khu vực phía nam các xã Tràng Sơn, Đông Sơn, phía Đông Nam xã Yên Sơn, phía Tây Nam xã Văn Sơn, phía Đông xã Lưu Sơn.
Quy mô phát triển khoảng 868 ha. Chức năng là hành chính, thương mại - dịch vụ - tài chính - văn hóa xã hội của đô thị; là nơi thường xuyên tổ chức các hoạt động về văn hóa cộng đồng, cung cấp du lịch đô thị, văn hóa lịch sử, dịch vụ công, hội chợ, triển lãm, thương mại, dịch vụ trong vùng đô thị Đô Lương và phụ cận.
Khu vực phát triển đô thị số 2 nằm tại xã Lưu Sơn (phía Tây khu vực phát triển số 1). Quy mô phát triển khoảng 166,7 ha. Chức năng là cung cấp nhà ở sinh thái cao cấp cho đô thị; hỗ trợ phát triển cho đô thị trung tâm.
Khu vực phát triển đô thị số 3 nằm tại phía nam xã Thịnh Sơn (phía đông khu vực phát triển số 1). Quy mô phát triển khoảng 195 ha. Chức năng là phân khu đô thị - thương mại - dịch vụ, là khu vực cửa ngõ phía Đông của đô thị.
Khu vực phát triển đô thị số 4 nằm tại trung tâm xã Tràng Sơn và Đông Sơn (phía Bắc khu vực phát triển số 1). Quy mô phát triển khoảng 156 ha. Chức năng là gắn kết trung tâm đô thị với các khu du lịch sinh thái trải nghiệm phía đông bắc của đô thị, cung cấp dịch vụ vui chơi giải trí, thực hành giáo dục cho đô thị; tại đây khai thác yếu tố cảnh quan, mặt nước của Sông Lam và hệ thống kênh đào để tổ chức các khu vực công cộng và những công trình cung cấp các dịch vụ du lịch tâm linh; đồng thời gắn du lịch sinh thái nông nghiệp.
Khu vực phát triển đô thị số 5 nằm tại trung tâm xã Đặng Sơn và một phần xã Bắc Sơn. Quy mô phát triển khoảng 259 ha. Chức năng là trung tâm thương mại, văn hóa - du lịch, thể thao, vui chơi giải trí mới của đô thị, gắn với vùng nông nghiệp công nghệ cao và sinh thái trải nghiệm.
Giai đoạn đến năm 2025, tỉnh tập trung cho các mục tiêu đầu tư phát triển khu vực phát triển đô thị số 1; tập trung đầu tư để đạt được các tiêu chí phát triển đô thị loại IV và hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí đô thị loại IV.
Giai đoạn 2026 - 2030, tiếp tục đầu tư phát triển các khu vực phát triển đô thị số 2, 3, 4, 5.
Theo chương trình này, trong giai đoạn đầu, tỉnh sẽ ưu tiên các dự án kết nối khu vực phát triển đô thị.
Trong đó, đối với nhóm dự án hạ tầng khung và công trình đầu mối kết nối hệ thống đô thị, tỉnh lên kế hoạch phát triển cho nhóm hạ tầng giao thông, cấp nước, cấp điện, viễn thông, thoát nước thải, chất thải rắn, nghĩa trang, phòng cháy chữa cháy.
Trong đó, các dự án hạ tầng giao thông giai đoạn 2022 - 2025 gồm xây dựng các công trình như đường giao thông từ QL 7 xã Đặng Sơn đi Bắc Sơn huyện Đô Lương; đường vành đai nối từ QL 7C đến QL7 đoạn qua các xã Thịnh - Văn - Yên - Thị - Lưu - Đặng Sơn; đường từ QL 7 đến QL 7C (đường N5); đường trục chính đô thị nối QL 46B thị trấn Đô Lương đến đến QL 7 xã Nam Sơn; mở rộng QL 46B đoạn tiếp giáp dự án khu đô thị nam thị trấn Đô Lương...
Đối với nhóm dự án phát triển hệ thống hạ tầng xã hội, tỉnh sẽ xây dựng các công trình chính trị, văn hóa, thể thao, cây xanh, quảng trường; các công trình giáo dục, y tế, thương mại, dịch vụ, trong đó có xây dựng tổ hợp công viên cây xanh trung tâm thị trấn Đô Lương, Trung tâm văn hóa thể dục thể thao huyện Đô Lương, xây dựng các dự án hạ tầng thương mại dọc hai bên đường 60m; dọc phía bắc QL 7A; hai bên QL 7C.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đầu tư nâng cấp các chợ trên địa bàn đạt tiêu chí chợ hạng 2; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đưa vào sử dụng hệ thống các khu du lịch, dịch vụ đang triển khai; đầu tư hệ thống kho bãi, điểm kết nối cung cầu hàng hóa, giới thiệu sản phẩm của địa phương; phát triển hệ thống siêu thị, các cửa hàng tiện lợi phục vụ nhu cầu trao đổi hàng hóa.
Về hạ tầng công nghiệp, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, xây dựng hoàn thành hạ tầng cụm công nghiệp Lạc Sơn mở rộng và lấp đầy trên 70% diện tích cụm công nghiệp; hoàn thành di dời cụm công nghiệp thị trấn Đô Lương ra khỏi đô thị.