Ngay từ sáng sớm, con đường Phạm Ngũ Lão vốn đã đông đúc nay lại thêm tấp nập khi dòng người từ nhiều nơi đổ về Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng khu vực phía Nam (số 5 Phạm Ngũ Lão) để tiễn đưa liệt sĩ Thiếu tá Dương Lê Minh, Thượng úy Đặng Đình Duy và Nguyễn Văn Tùng.
Người thân, lãnh đạo, đồng đội của các anh đến từ rất sớm. |
Những giọt nước mắt tiếc thương lăn dài trên khuôn mặt người thân của ba liệt sĩ. Nhiều đồng đội, thượng cấp của các anh cố nén nỗi buồn động viên người thân của các chiến sĩ đã hy sinh. Một số người không kiềm được nước mắt khi nhìn, bà Lê Thị Minh Thủy, mẹ Thiếu tá Dương Lê Minh và vợ của anh mắt đỏ hoe, sưng húp nắm chặt tay nhau.
Với bà Thủy, đây là một nỗi đau không gì sánh được. Vì chỉ cách đây hơn 10 năm, chồng bà Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân – Thượng tá Dương Văn Thanh đã hy sinh khi bay huấn luyện ở Khánh Hòa năm 2005. Lúc máy bay gặp sự cố, ông đã cho học viên nhảy dù rồi cố gắng lái máy bay tránh khu vực đông người, rơi xuống biển trong tư thế hai tay giữ chặt cần lái.
Nhiều người không cầm được nước mắt khi nhìn người mẹ, người vợ và hai con nhỏ của Thiếu tá Minh. |
Hai đứa con dại của liệt sĩ Dương Lê Minh thi thoảng lại chạy lên phía quan tài hay chợt òa khóc làm nhiều người nghẹn lòng. Vợ và con của liệt sĩ Lê Văn Nghĩa, phi công máy bay Su 22 đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ bay trước đó, đã đến viếng 3 liệt sĩ. Cũng từng gánh chịu nỗi đau mất chồng khi làm nhiệm vụ huấn luyện bay, chị Nguyễn Thị Vân rất thấu hiểu và chia sẻ với gia đình 3 phi công trước nỗi đau thương mất mát này.
Thiếu Tướng Hà Tiến Dũng, Tư lệnh Binh đoàn 18, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Trực thăng Việt nhận xét: “Thiếu tá Dương Lê Minh, nguyên Trưởng Phòng bảo đảm chất lượng an toàn, Phi công Cấp 1, giáo viên Trung tâm Huấn luyện binh đoàn 18 là một phi công ưu tú, một cán bộ trẻ nhiều triển vọng được huấn luyện đào tạo bài bản tại các trung tâm huấn luyện trong và ngoài nước (Mỹ, Pháp, Anh, Đức). Đồng chí Minh đã bay trên các loại máy bay, trực thăng hiện đại nhất với tổng số 3.282 giờ bay. Đồng chí Nguyễn Văn Tùng và Đặng Đình Duy là hai phi công trẻ nhiều triển vọng cũng đã được đào tạo bài bản và đã tốt nghiệp. Đồng chí Duy và Tùng đang được huấn luyện trên các loại trực thăng hiện đại. Các đồng chí hy sinh là một tổn thất lớn là không gì bù đắp được, để lại nhớ thương vô bờ bến cho gia đình, bạn bè, đồng đội, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên binh đoàn 18”.
Bạn bè, người thân, đồng đội ghi những dòng kỷ niệm về các anh. |
Có mặt tại lễ tang, bạn Nguyễn Thị Quỳnh Chi, thành viên nhóm từ thiện Nhân Tâm, sụt sùi: “Anh Tùng (Thượng úy Nguyễn Văn Tùng) là một thành viên năng nổ của nhóm. Anh luôn đem lại tiếng cười cho các thành viên trong nhóm và rất gần gũi với người nghèo trong các chuyến đi từ thiện. Nhóm sẽ mãi nhớ về anh, người anh hùng của đất nước, của gia đình và bạn bè. Xin anh hãy yên nghỉ”.
Đoàn viếng 3 phi công hy sinh khi bay huấn luyện tại đỉnh Bao Quan vẫn tiếp nối. Những giọt nước mắt không ngừng lăn dài trên gương mặt thân nhân các phi công. Đồng đội, bạn bè của các chiến sĩ hy sinh ôm siết, chia sẻ sự mất mát không gì bù đắp với gia đình 3 phi công hy sinh.
Đau thương thể hiện trên khuôn mặt từng người trong gia đình các anh. |
Những đau thương kìm nén của gia đình, đồng đội và bạn bè của các liệt vỡ òa khi lễ truy điệu chính thức được bắt đầu. Cả hội trường gần như lặng im khi nghe lại tiểu sử và thành tích của ba liệt sĩ, nước mắt vẫn rơi. Ngay cả Đại tá Vi Công Dũng, Chính ủy Binh đoàn 18 và Đại tá Phạm Quang Khiết, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Binh đoàn 18 khi đọc điếu văn và lời cám ơn cũng đôi lúc nghẹn lời.
Trước sự hy sinh của các anh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đã quyết định truy tặng Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì cho Thiếu tá Dương Lê Minh, truy tặng Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Ba cho Thượng úy Đặng Đình Duy và Nguyễn Văn Tùng.
Bộ Quốc phòng sau khi có quyết định truy phong thăng hàm cho 3 phi công hy sinh khi bay huấn luyện cũng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận tổ bay (thuộc Trung tâm huấn luyện, Binh đoàn 18) gặp nạn tại đỉnh Bao Quan là liệt sĩ.
Sau lễ viếng, lễ truy điệu và lễ hỏa táng tại đài hóa thân Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân), hài cốt 3 phi công hy sinh sẽ được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà.
Văn Dũng - Khải An