'Nghỉ chơi' Huawei: Mỹ gọi, ai trả lời?

Tờ Wall Street Journal cuối tuần trước tiết lộ rằng chính quyền Mỹ đã tăng sức ép, thúc giục các đồng minh 'nói không' với Huawei vì an ninh quốc gia.
Nghỉ chơi Huawei: Mỹ gọi, ai trả lời? - Ảnh 1.

Biển quảng cáo điện thoại 5G của Huawei tại triển lãm công nghệ thương mại ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: REUTERS).

Không chỉ vậy, Mỹ cũng đang cân nhắc tăng thêm mức hỗ trợ tài chính với các nước sẵn sàng "nói không" với Huawei trong phát triển hạ tầng viễn thông.

Người theo, kẻ lưỡng lự

Quốc gia đồng minh mới nhất được Mỹ vận động hành lang trong chiến dịch chống Huawei là Hàn Quốc, theo tiết lộ từ báo Chosun Ilbo ngày 23/5.

Tờ báo Hàn cho biết một quan chức ngoại giao Mỹ cảnh báo người đồng cấp Hàn Quốc tại cuộc gặp gần đây rằng Công ty LG Uplus Corp của nước này sử dụng các thiết bị viễn thông do Huawei sản xuất, và đề nghị Seoul giới hạn hoạt động của công ty này trong các "lĩnh vực nhạy cảm" ở Hàn Quốc - nơi có các căn cứ quân sự Mỹ.

Với chính quyền Mỹ, mối lo lắng lớn nhất hiện nay là những nước mua thiết bị mạng viễn thông của Trung Quốc có căn cứ quân sự Mỹ. Bất kể thực tế Bộ Quốc phòng Mỹ có riêng các vệ tinh và mạng viễn thông để liên lạc thông tin nhạy cảm, song hầu hết lưu lượng dữ liệu Internet tại các căn cứ này đều sẽ phải đi qua các mạng lưới thông tin thương mại.

Tới nay, mới chỉ có Úc "nghe theo" cảnh báo của Mỹ. Song ít nhất 2 trong số những đồng minh tin cậy nhất của Mỹ, là Pháp và Anh đã bày tỏ quan điểm rõ ràng sẽ tự quyết về cách hành xử với Huawei, và quyết định của họ có thể không giống với Washington, theo trang Politico.

Tại Paris, trong hội nghị ngành VivaTech, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nêu rõ: "Quan điểm của chúng ta là không ngăn chặn Huawei, cũng như bất cứ công ty nào". Ông Macron cũng không ủng hộ việc Pháp nên đưa công ty Trung Quốc vào danh sách đen.

Không chỉ bày tỏ quan điểm riêng của Pháp, ông Macron còn như muốn lồng cả quan điểm chung của EU khi nói thêm: "Pháp và châu Âu rất thực tế và thực dụng", theo đó sẽ tìm cách cân bằng "giữa việc tiếp cận với công nghệ tốt và đảm bảo an ninh quốc gia" trong khi xử lý vấn đề thiết bị công nghệ Trung Quốc.

Từ Anh, Thủ tướng Theresa May bày tỏ quan điểm thận trọng hơn khi nhắc lại rằng Chính phủ Anh vẫn chưa có quyết định cuối cùng, về việc nên có những hạn chế với Huawei và các công ty Trung Quốc khác.

Trong khi đó, những đồng minh tin cậy khác của Mỹ như Ba Lan, cũng đang cân nhắc về các động thái tương tự, dù vậy tới nay vẫn chưa có thông báo chính thức.

Ủy ban châu Âu đã công bố chiến lược xử lí vấn đề bảo mật mạng 5G từ tháng 3 năm nay, và hiện cũng đang điều phối việc đánh giá các thủ tục bảo mật trên toàn EU.

Dự kiến EU tiến hành đánh giá nguy cơ với toàn khối vào tháng 10, và có lẽ sớm nhất cũng phải cuối năm nay liên minh này mới đi tới những quyết định cụ thể có phạm vi trên toàn EU.

Nghỉ chơi Huawei: Mỹ gọi, ai trả lời? - Ảnh 2.

Khách hàng thờ ơ lướt qua quầy trưng bày điện thoại Huawei ở TP HCM. (Ảnh: BÔNG MAI).

ARM "sát thương" hơn Google?

Nối gót các hãng công nghệ lớn ngừng làm ăn với Huawei, tuân theo sắc lệnh của ông Trump, ngày 22-5 Hãng thiết kế vi xử lý ARM ở Anh đã yêu cầu các nhân viên tạm dừng "tất cả mọi hợp đồng đang có hiệu lực, các quyền lợi hỗ trợ và bất kỳ ràng buộc nào" với Huawei, theo Đài BBC.

Sự tẩy chay của ARM khiến giới quan sát cho rằng tập đoàn công nghệ Trung Quốc sẽ chịu tổn thất lớn hơn thiệt hại từ việc Google tuyên bố ngừng hợp tác.

ARM là hãng thiết kế chip điện tử Anh, hiện thuộc sở hữu của Tập đoàn SoftBank (Nhật Bản). Tờ Nikkei Asian Review cho biết ARM nắm bằng sáng chế của 90% bộ xử lí điện thoại toàn cầu. Trong số đó, nhiều thiết kế chip của hãng đặc biệt quan trọng đối với các dự án phát triển thiết bị bán dẫn.

Điều này đồng nghĩa rằng tham vọng bành trướng trong lĩnh vực thiết bị bán dẫn của Huawei gặp lực cản không hề nhỏ khi ARM tuyên bố ngừng hợp tác.

Huawei sở hữu hãng thiết kế chip hàng đầu Trung Quốc, HiSilicon Technologies, cũng như đang xúc tiến việc thiết kế bộ xử lý Kirin cho dòng điện thoại cao cấp của mình. Dù vậy, công ty này vẫn cần tới các thiết kế của ARM để làm khung nền cho các sản phẩm chip trong tương lai.

Ngay cả Kunpeng 920, bộ xử lý máy chủ do Huawei tự thiết kế, cũng cần đến các thiết kế của ARM để làm cơ sở. Kunpeng 920 được Huawei ra mắt tháng 1/2019 như sản phẩm thay thế bộ xử lý của Intel.

Thực tế, Nikkei Asian Review nhận định Huawei dường như đề phòng quyết định này của ARM từ trước. Đó là lý do công ty Trung Quốc đã chốt một thỏa thuận nâng cao cùng nhà thiết kế của Anh, nhằm vào một danh mục bản vẽ kỹ thuật đầy đủ hơn của ARM. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa rõ bao nhiêu bằng sáng chế đã được nhượng quyền sử dụng, cũng như ARM hiện kiểm soát bao nhiêu bằng và giấy phép dành cho Huawei.

Huawei tuyên bố họ đánh giá cao quan hệ cùng các đối tác, và chấp nhận một số quyết định được đưa ra vì sức ép chính trị.

Nguy cơ "quả bóng tuyết"

Sau EE - nhà mạng di động lớn nhất của Anh, các hãng khác như Vodafone, KDDI và SoftBank Corp - hai nhà cung cấp dịch vụ mạng di động lớn thứ 2 và 3 của Nhật - cũng thông báo tạm dừng triển khai thiết bị di động 5G của Huawei để có thêm thời gian đánh giá về tác động của lệnh cấm do Mỹ đưa ra. Riêng nhà mạng lớn nhất của Nhật, NTT Docomo, tuyên bố tạm dừng việc nhận các đơn hàng đặt mua trước với điện thoại Huawei.

Đáng chú ý trong ngày 23/5, ông lớn công nghệ Panasonic của Nhật thông báo ngừng kinh doanh với Huawei nhưng sau đó lại đính chính thông tin, khẳng định Huawei là "đối tác quan trọng của Panasonic".

Những diễn biến dồn dập này báo trước nguy cơ xảy ra hiệu ứng "quả bóng tuyết" - một tình huống tồi tệ có diễn biến ngày càng tăng về quy mô và tốc độ, có thể danh sách các doanh nghiệp ở nhiều nước tuyên bố ngừng hợp tác với Huawei sẽ tiếp tục nối dài trong những ngày tới.

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.