GS.TS Từ Sỹ Sùa – Giảng viên cao cấp Đại học GTVT |
Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với GS.TS Từ Sỹ Sùa – Giảng viên cao cấp Đại học GTVT để có cái nhìn rõ hơn về vấn đề này.
Ông đánh giá như thế nào về những nội dung trong Nghị quyết 83 mà Chính phủ vừa ban hành?
- Từ khi các dự án BOT giao thông được triển khai đến nay đã phát sinh nhiều bất cập và sai phạm. Tuy nhiên, việc giải quyết những bất cập đó đến nay vẫn gặp nhiều vướng mắc.
Bây giờ, với Nghị quyết 83/NQ-CP triển khai thực hiện Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT mà Chính phủ vừa ban hành, tôi cho rằng sẽ giải quyết được hầu hết những vấn đề đã và đang tồn tại ở các dự án BOT giao thông và có tính khả thi rất cao.
Nghị quyết 83 sẽ giúp việc thực hiện các dự án BOT tốt hơn, vừa có thể tránh những thiệt hại không đáng có, vừa lấy lại niềm tin của người dân.
Tôi cho rằng những nội dung trong Nghị quyết rất sát sườn với những vấn đề cốt lõi mà các dự án BOT đang gặp phải.
Nếu đưa vào thực hiện sẽ đáp ứng được đầy đủ nguyện vọng của tất cả các bên, đặc biệt là người dân và DN.
Trước kia, khi bắt đầu triển khai các dự án BOT, chúng ta chưa cân nhắc kỹ càng tất cả các điều kiện, dẫn đến việc để xảy ra những bất cập, sai phạm.
Nhưng bây giờ, qua một thời gian nhìn lại, chúng ta đã nhận ra những bất cập, sai sót cần phải sửa.
Cộng thêm sự ra đời của Nghị quyết 83, tôi tin việc triển khai các dự án BOT trong thời gian tới sẽ tốt hơn.
Trong Nghị quyết 83 mà Chính phủ ban hành, theo ông đâu là nội dung quan trọng nhất và có ý nghĩa nhất trong việc giải quyết những bất cập của các dự án BOT trong thời gian vừa qua?
- Hầu hết các nội dung trong Nghị quyết 83 đều rất quan trọng và có ý nghĩa trong việc giải quyết những bất cập của BOT.
Tuy nhiên, tôi thấy có hai điểm nhấn rất đáng chú ý. Đó là quy định không được làm những dự án BOT trên đường độc đạo và quy định phải tham vấn ý kiến của người dân địa phương trước khi triển khai dự án.
Bởi vì, điểm cốt lõi nhất khi triển khai các dự án BOT là phải đảm bảo tính minh bạch, công khai và đáp ứng hài hòa lợi ích của tất cả các bên.
Đặc biệt là lợi ích của những người dân sống ở khu vực đặt trạm thu phí BOT.
Chỉ riêng Trạm BOT Cai Lậy, Bộ GTVT đã phải đưa ra 5 phương án để giải quyết. Ảnh: Việt Tường |
Địa điểm chọn làm dự án và vị trí đặt trạm thu phí là nhạy cảm. Tôi cho rằng hai yếu tố đó phải xem xét rất là kỹ lưỡng trên cơ sở thực tế ở địa phương.
Những dự án BOT trước đây, khi thực hiện chỉ có hoạch định trên giấy mà không có tham vấn ý kiến của công chúng là không đúng.
Ý kiến của xã hội rất quan trọng, không được phép coi thường. Một khi đã có được ý kiến đồng tình của xã hội sẽ giảm thiểu vấn đề xung đột lợi ích giữa các bên.
Trong các dự án BOT đã triển khai rất nhiều dự án có bất cập về vị trí, song có vẻ Bộ GTVT vẫn lúng túng trong xử lý. Theo ông, Nghị quyết của Chính phủ có giúp ích gì cho Bộ GTVT trong việc xử lý dứt điểm những trạm thu phí bất cập về vị trí này?
- Những dự án BOT có bất cập về vị trí đặt trạm đã được Bộ GTVT chỉ rõ nhưng việc di chuyển các trạm ấy về đúng vị trí là bài toán rất khó, bởi khi di chuyển sẽ kéo theo nhiều hệ quả khác.
Vị trí đặt trạm là một trong những yếu tố rất quan trọng trong các dự án BOT, tuy nhiên bất cập về vị trí lại có nguyên nhân bắt nguồn từ sai phạm của cả hệ thống.
Cho nên muốn sửa sai phải sửa trên cả hệ thống. Bài toán sai đâu sửa đấy là thực tế.
Ví dụ như ở BOT Cai Lậy, Bộ GTVT đã phải đưa ra tới 5 phương án để giải quyết. Với một dự án đã phức tạp như thế, giờ có tới hàng chục dự án có bất cập về vị trí với nhiều tính chất khác nhau.
Có dự án thì chồng lấn, có dự án thì bỏ sót, dự án lại đặt trạm một nơi thu phí một nơi... thì để “sửa sai” hết là câu chuyện không dễ chút nào.
Theo tôi, việc một loạt trạm BOT đặt sai vị trí bắt nguồn từ chính những sai sót về mặt nhận thức trong quá trình quy hoạch, tổ chức thực hiện. Nhiều dự án trong số đó còn có sự chồng lấn lên nhau.
Điều này khiến người dân cảm tưởng đi đâu cũng gặp trạm BOT, từ đó người dân sẽ có tâm lý đánh giá về các dự án BOT giao thông là “lợi thì ít hại thì nhiều”.
Một khi quyền lợi của người sử dụng dịch vụ chưa được tôn trọng đúng mức, dư luận xã hội cũng như là vấn đề triển khai dự án BOT chưa được như mong muốn.
Thậm chí là trái ngược làm cho niềm tin của người dân, dư luận xã hội bức xúc.
Tôi cho rằng sự ra đời của Nghị quyết 83 vào lúc này là rất kịp thời. Từ những nội dung cụ thể của Nghị quyết, Bộ GTVT và các cơ quan liên quan khác có thể dựa vào đó để đưa ra những phương án “sửa sai” cụ thể phù hợp với từng dự án cụ thể có bất cập về vị trí.
Tuy nhiên, dù là phương án nào thì cái cốt lõi là làm cho người dân khi nhìn vào các dự án BOT sẽ nghĩ rằng, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông sẽ có lợi hơn là có hại.
Một khi lợi ích người dân được tôn trọng, họ sẽ có niềm tin và cảm thấy thoải mái khi chi phí mình bỏ ra để đi trên tuyến đường mới đúng đồng tiền bát gạo của mình.
Xin cám ơn ông!
"Bộ GTVT phải có bài toán để trấn an được nhà đầu tư BOT cũng như xã hội hướng đến phát triển bền vững hệ thống giao thông ở Việt Nam. Làm sao để hài hòa về lợi ích cho tất cả các bên, từ người dân, DN, Nhà nước và toàn xã hội. " - GS.TS Từ Sỹ Sùa |
Bao nhiêu dự án nhiệt điện BOT đang chậm tiến độ hoặc nằm trên giấy?
Các dự án nguồn điện mới tại miền Nam chủ yếu là điện than, thực hiện theo hình thức BOT. Tuy nhiên đến nay, gần ... |