Nghiên cứu ba phương án phát triển hệ thống metro TP HCM

Dự trên định hướng điều chỉnh quy hoạch TP HCM, đơn vị tư vấn đề xuất ba phương án phát triển hệ thống metro với tổng chiều dài hơn 500 km, gấp đôi quy hoạch cũ.

Đề xuất được đưa ra tại cuộc họp về xây dựng đề án phát triển đường sắt đô thị TP HCM theo kết luận số 49 của Bộ Chính trị do Sở Giao thông Vận tải thành phố chủ trì, chiều 10/4.

Ngoài cách tiếp cận mới, cơ chế đột phá triển khai các dự án, tư vấn đề xuất điều chỉnh tổng chiều dài đường sắt đô thị của thành phố lên 511 km, tức gấp hơn hai lần quy hoạch cũ, thực hiện đến năm 2045. Với phương án này, TP HCM sẽ có 10 tuyến metro, trong đó một tuyến vành đai, 8 tuyến chạy xuyên tâm.

Tàu Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chạy thử đoạn qua trung tâm thành phố, năm 2023. (Ảnh: Thanh Tùng). 

Theo định hướng trên, tư vấn đưa ra ba phương án triển khai. Trong đó, phương án một là đầu tư toàn bộ mạng lưới này trong thời gian từ nay đến năm 2045, tổng vốn sơ bộ gần 50 tỷ USD. Phương án hai là đầu tư 6 tuyến, gồm 5 tuyến xuyên tâm và một tuyến vành đai), tổng chiều dài khoảng 303 km. Phương án này đòi hỏi nguồn vốn khoảng 25 tỷ USD.

Phương án còn lại là đầu tư hoàn thiện ba tuyến số 1, 3, 4 và làm một phần các tuyến số 2, 5, 6. Theo cách này, tổng chiều dài các tuyến được xây dựng khoảng 180 km, tổng vốn hơn 20 tỷ USD. Đơn vị tư vấn đánh giá phương án này phù hợp với quy hoạch hiện nay ở thành phố, đồng thời khả thi hơn về nguồn lực so với hai cách còn lại.

Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Quang Lâm cho biết kết luận 49 của Bộ Chính trị giao TP HCM đến năm 2035 cơ bản hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị với 8 tuyến, tổng chiều dài hơn 200 km. Đây là cơ sở để thành phố đề xuất các cơ chế, xây dựng đề án triển khai. Tuy nhiên, đây là đề án rất lớn, chưa có tiền lệ, mang tính đột phá trong phát triển hệ thống metro.

"Đề án này bao gồm rất nhiều lĩnh vực liên quan thủ tục đầu tư, huy động vốn, đất đai, quy hoạch, khoa học công nghệ; mô hình tổ chức xây dựng và khai thác...", ông Lâm nói.

Hướng tuyến 8 tuyến metro đã được quy hoạch tại TP HCM. (Đồ hoạ: Xuân Việt).

Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải, do thời gian gấp rút nên thành phố đang huy động các sở ngành, tư vấn, chuyên gia hàng đầu ở nhiều lĩnh vực nhằm hoàn thiện đề án gửi Bộ Giao thông Vận tải, lấy ý kiến các bộ ngành, trình Chính phủ vào tháng 5 năm nay. Nội dung quan trọng nhất của đề án là phương án đầu tư phát triển và khả thi thực hiện, để khi Quốc hội thông qua có thể triển khai được ngay.

TP HCM đã triển khai hai tuyến metro, gồm: số 1 Bến Thành - Suối Tiên (dài gần 20 km) và số 2, đoạn Bến Thành - Tham Lương (dài hơn 11 km). Trong đó, tuyến số 1 sau 17 năm được duyệt, 12 năm thi công, đến nay mới chuẩn bị hoàn thành. Tuyến số 2 cũng nhiều lần lùi tiến độ, dự kiến đến năm 2030 mới hoàn thành. Do vậy, để đạt mục tiêu đến năm 2035 cơ bản làm xong khoảng 200 km metro theo quy hoạch hiện nay, các chuyên gia cho rằng sẽ khó khả thi nếu vẫn thực hiện theo cách làm cũ.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.