Nghiên cứu đầu tư đường sắt TP HCM – Cần Thơ quy mô 10 tỷ USD

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, trong thời kỳ quy hoạch 2021 - 2030, nghiên cứu đầu tư đường sắt TPHCM - Cần Thơ để tăng cường liên kết kinh tế với các trung tâm kinh tế lớn của quốc gia, đồng thời nghiên cứu xây dựng cảng biển Sóc Trăng theo định hướng xã hội hóa loại đặc biệt.

Báo Chính phủ vừa phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trước thềm Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và sơ kết ba năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương, cho biết, quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là quy hoạch vùng đầu tiên được tổ chức lập theo cách tiếp cận tổng thể, tích hợp đa ngành của Luật Quy hoạch.

Việc lập Quy hoạch vùng ĐBSCL cũng là một trong 5 giải pháp tổng thể được đề ra trong Nghị quyết số 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Quy hoạch đang được tổ chức thẩm định, dự kiến trình phê duyệt trong quý II năm 2021.

Nghiên cứu đầu tư đường sắt TP HCM – Cần Thơ, cảng biển Sóc Trăng loại đặc biệt - Ảnh 1.

Bản đồ tuyến đường sắt tốc độ cao TP HCM - Cần Thơ. (Ảnh: Báo Thanh niên).

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, tăng cường đầu tư là giải pháp tối quan trọng trong giai đoạn đầu thực hiện quy hoạch vùng ĐBSCL. Do vậy, quan điểm chỉ đạo quy hoạch là tập trung đầu tư phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu trong thời kỳ quy hoạch 2021 - 2030.

Sau khi nghiên cứu, rà soát, đánh giá sự phù hợp, hiệu quả của các định hướng, giải pháp đã và đang được thực hiện trong quy hoạch thời kỳ trước, Quy hoạch vùng ĐBSCL đề xuất một số định hướng, giải pháp chủ đạo cần tập trung triển khai cho thời kỳ tiếp về kết cấu hạ tầng.

Trong đó, chú trọng phát triển hệ thống hạ tầng xã hội, đặc biệt là giáo dục và y tế. Tập trung xây dựng, hoàn thiện mạng lưới đường bộ cao tốc hỗ trợ việc phát triển các khu vực động lực phát triển của vùng, trong đó trong giai đoạn đến năm 2030 ưu tiên đầu tư hoàn thiện các trục cao tốc Bắc – Nam phía Đông và phía Tây, các tuyến kết nối giữa các đường cao tốc.

Tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng; nâng cao thị phần vận tải container, trong đó chú trọng kết nối các trung tâm đầu mối của vùng với các cảng biển tại TPHCM, đặc biệt là cảng Cái Mép – Thị Vải phục vụ xuất khẩu. Giải quyết vấn đề tĩnh không các cầu đường bộ và cống, đập nhằm đảm bảo sự vận hành hiệu quả của các tuyến đường thủy nội địa quốc gia.

Nâng cấp, cải tạo, duy trì các tuyến luồng hàng hải trong vùng. Nghiên cứu xây dựng cảng biển Sóc Trăng theo định hướng xã hội hóa, đảm nhận vai trò là cảng cửa ngõ vùng ĐBSCL (loại đặc biệt).

Nghiên cứu đầu tư đường sắt TPHCM - Cần Thơ để tăng cường liên kết kinh tế với các trung tâm kinh tế lớn của quốc gia.

Khoảng 10 tỷ USD làm dự án đường sắt TP HCM - Cần Thơ

Báo Thanh niên, đưa tin, Bộ GTVT đã quyết định giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý dự án đường sắt tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt TP HCM - Cần Thơ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường loại hình vận tải bằng đường sắt để kết nối TP HCM với các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Theo quyết định của Bộ GTVT ngày 27/8/2013 phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường sắt TP HCM - Cần Thơ, tổng chiều dài toàn tuyến là 173,677 km với 14 ga, bắt đầu từ ga lập tàu An Bình (Bình Dương) đến Cần Thơ đi theo hướng tuyến dài nhằm tiếp cận các đô thị, thị xã hiện hữu của TP HCM và 4 tỉnh miền Tây. Tổng vốn đầu tư xây dựng khoảng 10 tỷ USD. 

Tuyến được thiết kế đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, là khổ hiện đại dành cho đường sắt cao tốc phổ biến trên thế giới, tốc độ dưới 200 km/giờ cho tàu hàng và trên 200 km/giờ cho tàu khách. Dự án sau khi được thực hiện sẽ kết nối trung tâm kinh tế trọng điểm phía nam với thủ phủ của khu vực ĐBSCL, rút ngắn thời gian di chuyển xuống còn 45 phút.

chọn
Khu đô thị Bắc Châu Giang của Mặt Trời Thanh Hoá: Giáp cao tốc và Vành đai 5, sẽ chuyển đổi 108 ha đất lúa
Khu đô thị sinh thái Bắc Châu Giang tại TP Phủ Lý, Hà Nam do liên danh Mặt Trời Thanh Hoá - Đầu tư Tây Bắc làm chủ đầu tư có quy mô 176 ha, tổng vốn gần 9.000 tỷ đồng. Tại đây sẽ xây dựng khoảng 4.735 căn nhà ở liền kề, biệt thự và chung cư hỗn hợp.