Nghiên cứu xây sân bay trực thăng ở các đảo tại Vân Đồn

Huyện Vân Đồn đang nghiên cứu đề xuất xây dựng một số sân bay trực thăng ở các đảo và huy động nhiều nguồn lực đầu tư mở rộng, nâng cấp cảng Cái Rồng.

Theo Cổng thông tin điện tử Quảng Ninh, huyện Vân Đồn đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình trọng điểm đang triển khai như: Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường trục chính trung tâm khu đô thị Cái Rồng, đường 334 từ khu đô thị Ao Tiên đến khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn, các dự án du lịch, dịch vụ, thương mại trên địa bàn.

Đồng thời, huyện cũng tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư mở rộng, nâng cấp cảng Cái Rồng và các cảng tại Quan Lạn, Minh Châu, Thắng Lợi, Bản Sen, Ngọc Vừng. 

Trước mắt là thúc đẩy nhà đầu tư hoàn thành cảng khách du lịch tại khu vực Bãi Dài và dự án Ao Tiên; đường nối cảng Cồn Trụi với đường Quan Lạn - Minh Châu; thu hút đầu tư xây dựng trung tâm dịch vụ hậu cần, kho bãi, vận chuyển.

Đặc biệt, huyện Vân Đồn đang nghiên cứu đề xuất xây dựng một số sân bay trực thăng ở các đảo. Giai đoạn tới, Vân Đồn tiếp tục thu hút các dự án đầu tư đô thị bảo đảm kết nối đồng bộ với các khu dân cư; thu hút đầu tư xây dựng các khu đô thị, thương mại dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng dọc khu vực ven biển phía Đông đảo Cái Bầu,...

Vân Đồn đang nghiên cứu xây sân bay trực thăng ở các đảo - Ảnh 1.

Huyện Vân Đồn đang nghiên cứu đề xuất xây dựng một số sân bay trực thăng ở các đảo. (Ảnh: Báo Quảng Ninh).

Theo kế hoạch thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư phát triển khu kinh tế Vân Đồn được tỉnh Quảng Ninh ban hành năm 2019, tỉnh này đưa ra cụ thể 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. 

Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu được đặt ra là phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm phát triển toàn diện hệ thống giao thông cả hàng không, đường bộ, đường thuỷ, hạ tầng du lịch,…

Cụ thể, kế hoạch nêu rõ việc nghiên cứu đầu tư, mở rộng, nâng công suất khai thác sân bay Vân Đồn đạt trên 5 triệu lượt khách và 30 nghìn tấn hàng hoá vào năm 2030.

Thu hút đầu tư xây dựng một số sân bay trực thăng (taxi trực thăng) ở các đảo để thuận tiện đi lại giữa Vân Đồn và Hạ Long; Móng Cái và một số đảo khác; phát triển loại hình thuỷ phi cơ.

Đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng tuyến đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái và xây dựng một số cầu kết nối từ Cẩm Phả vào khu kinh tế Vân Đồn. Bố trí vốn ngân sách đầu tư các tuyến đường xuyên đảo, đường ven biển, trục chính,…

Theo kế hoạch trên, tổng nhu cầu vốn cần huy động để đầu tư vào khu kinh tế Vân Đồn giai đoạn 2019 - 2030 theo qui hoạch là 171.550 tỉ đồng. Trong đó, vốn đầu tư trong nước là 75.150 tỉ đồng, vốn đầu tư nước ngoài khoảng 96.400 tỉ đồng.

Theo Qui hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Vân Đồn sẽ được xây dựng trở thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp; là cửa ngõ giao thương quốc tế để tạo ra những sản phẩm độc đáo, khác biệt, hiện đại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế; xây dựng đô thị biển đảo xanh, hiện đại và thông minh,…

Khu kinh tế Vân Đồn hiện có 34 dự án của các nhà đầu tư chiến lược đang được triển khai. Trong đó, có 13 dự án đã giao cho chủ đầu tư, 11 dự án đang nghiên cứu qui hoạch và 10 dự án đã duyệt qui hoạch chi tiết, đang lựa chọn chủ đầu tư.

chọn
Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP): Có hơn 11.948 tỷ đồng khách trả trước, sắp thu nợ hơn nghìn tỷ từ các công ty chứng khoán
Theo BCTC quý I của  Công ty CP Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP), doanh thu chưa thực hiện của doanh nghiệp đạt 11.948 tỷ đồng, có khoản phải thu về cho vay ngắn hạn hơn 1.353 tỷ đồng từ các công ty chứng khoán.