Giá ngoại tệ giảm mạnh. ĐÀO NGỌC THẠCH |
Ngân hàng Eximbank giảm giá USD từ 40 - 50 đồng so với đầu tháng. Giá mua USD tại ngân hàng này hiện còn 22.710 - 22.730 đồng, giá bán về mức 22.800 đồng. Vietcombank giảm giá USD 45 đồng so với đầu tháng, mỗi USD được ngân hàng mua vào còn 22.730 đồng, bán ra 22.800 đồng... Giá các loại ngoại tệ khác có mức giảm mạnh hơn. Cụ thể, franc Thụy Sĩ giảm giá hơn 830 đồng (mức giảm mạnh nhất trong các loại ngoại tệ), giá mua còn 22.806 - 22.874 đồng, giá bán còn 23.103 đồng; kế đến là bảng Anh có mức giảm 640 đồng, giá mua còn 31.200 - 31.294 đồng, giá bán còn 31.607 đồng; đô la New Zealand giảm hơn 550 đồng, còn 15.903 - 16.159 đồng; giá euro giảm 500 đồng, còn 27.291 - 27.646 đồng; đô la Úc giảm 320 đồng, giá mua còn 17.067 - 17.118 đồng, giá bán 17.289 đồng; đô la Singapore giảm 220 đồng, giá mua - giá bán còn 17.026 - 17.247 đồng...
Nguyên nhân của sự sụt giảm mạnh các ngoại tệ khác bắt nguồn từ việc đồng USD trên thị trường thế giới mạnh lên, chỉ số USD-Index tăng lên 91,5 điểm (tăng 1,1 điểm so với đầu tháng). Bên cạnh đó, giá USD trong nước được các ngân hàng điều chỉnh giảm cũng góp phần khiến các ngoại tệ khác giảm giá kép.
Giá USD tại các ngân hàng thương mại giảm khoảng 0,21% trong tháng 4, trái ngược với tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng liên tục hơn 70 đồng (tương ứng 0,32%), lên 22.539 đồng/USD. Giá mua USD của các ngân hàng thương mại dù giảm nhưng vẫn cao hơn giá mua USD của NHNN từ 10 - 30 đồng/USD nên ngân hàng khó bán lại cho NHNN tăng dự trữ ngoại hối. Giá mua USD của Sở Giao dịch NHNN vẫn duy trì ở mức 22.700 đồng/USD.
Theo các ngân hàng thương mại, nguồn USD trên thị trường hiện nay khá dồi dào khiến giá giảm. Các doanh nghiệp xuất khẩu khá tốt, mang lại nguồn ngoại tệ lớn. Số liệu công bố từ Tổng cục Hải quan tính đến giữa tháng 4, xuất siêu lên tới 3,1 tỉ USD. Ngoài ra, theo Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm 2018, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước tính đạt 5,1 tỉ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2017, đồng thời còn có 1.863 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 2,262 tỉ USD (tăng 67% so với cùng kỳ năm 2017).
Lượng kiều hối cũng góp phần tạo nguồn cung USD trên thị trường khá dồi dào, chỉ tính riêng TP.HCM lên đến 1,12 tỉ USD.