Ngoài Vingroup, bản đồ bán lẻ Việt đang nằm trong tay ai?

Không giành vị trí dẫn đầu về số lượng cửa hàng kinh doanh như Vingroup, một loạt đại gia bán lẻ nội là Saigon Co.op, SATRA, Bách Hóa Xanh đang tận dụng kinh nghiệm và ưu thế hiểu tâm lí người tiêu dùng để kéo khách.

Bao vây chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TP HCM) khắp các hướng trong bán kính hơn 1 km không chỉ có gần 10 cửa hàng tiện lợi Vinmart+ của tập đoàn Vingroup mà còn có hàng loạt ông lớn bán lẻ khác. Chuỗi Bách Hoá Xanh của Thế Giới Di Động có 3 cửa hàng, Saigon Co.op sở hữu 1 điểm kinh doanh Co.op Food.

Vingroup, Bách Hóa Xanh, Co.opFood, SATRA trong cuộc chiến "bao vây" chợ truyền thống

Không riêng chợ Bà Chiểu, nhiều khu vực khác tại TP HCM đang dày đặc các cửa hàng kinh doanh hàng hoá tiêu dùng và thực phẩm của các doanh nghiệp bán lẻ. Tại các khu dân cư, cuộc chiến này càng khốc liệt hơn khi thậm chí các cửa hàng nằm sát vách nhau. 

Ngoài Vingroup, bản đồ bán lẻ Việt đang nằm trong tay ai? - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp bán lẻ đang vây lấy chợ truyền thống để kéo khách. (Ảnh: P.H).

Đường Tây Hoà nối với Đỗ Xuân Hợp dẫn vào chợ Phước Bình (quận 9) tuy chỉ kéo dài chừng 2 km nhưng có hơn 10 cửa hàng của đầy đủ các doanh nghiệp bán lẻ tên tuổi.

Đi theo hướng từ đầu đường Xa lộ Hà Nội vào, ngay đầu đường đã gặp cửa hàng Bách Hóa Xanh "án ngữ" ngay cổng chợ Tây Hòa. Đối diện Bách Hóa Xanh là cửa hàng SatraFood của Tổng công ty thương mại Sài Gòn. Cách đó vài trăm mét là Co.op Food của Saigon Co.op; đi tiếp vài trăm mét là cửa hàng tiện lợi Vinmart+ của tập đoàn Vingroup và tiếp đến là 2 cửa hàng tiện lợi SatraFood và Co.op Food. Càng vào gần chợ Phước Bình, sự xuất hiện của các thương hiệu bán lẻ này càng dày.

Ghi nhận của phóng viên, cuộc chiến bán lẻ quanh khu vực chợ này rất khốc liệt, khi Bách Hoá Xanh có 5 cửa hàng, Vinmart+ cũng có 5 cửa hàng, Co.op Food với 4 cửa hàng chuyên thực phẩm tươi sống, Satrafoods sở hữu 3 điểm kinh doanh.

Với số lượng dày đặc, các cửa hàng này vay khắp các lối lớn nhỏ dẫn vào chợ Phước Bình và 1 chợ tạm trên tuyến đường 339 nằm kế bên. 

Nhưng mật độ dày nhất ở khu vực này là cuộc đua đặt sự hiện diện trên tuyến đường Dương Đình Hội, giáp với chợ Phước Bình. Đoạn đường khoảng 1,5 cây số có 10 cửa hàng nằm san sát.

Dễ nhận thấy cuộc cạnh tranh giành khách với các chợ truyền thống đang được các doanh nghiệp bán lẻ tận dụng triệt để tại nhiều khu vực ở TP HCM. 

Cuộc chiến giành thứ hạng số 2 về lượng cửa hàng bán lẻ của doanh nghiệp Việt

Cuộc đua này ngày càng gay cấn khi doanh nghiệp nào cũng muốn nhanh chóng mở rộng chuỗi để tăng độ phủ thương hiệu khắp nơi. Về số lượng điểm kinh doanh, Vingroup đang dẫn đầu với hơn 2.000 mặt bằng. 

Ngoài Vingroup, bản đồ bán lẻ Việt đang nằm trong tay ai? - Ảnh 2.

Xếp sau Vingroup, giữa Saigon Co.op, Bách Hoá Xanh và SATRA cũng có một cuộc chiến giành ngôi vị thứ hai. (Đồ họa: Phúc Huy).

Xếp sau Vingroup là hệ thống bán lẻ Saigon Co.op với khoảng 700 điểm kinh doanh thuộc đầy đủ các thương hiệu mà đơn vị này đang khai thác. Trong đó, chuỗi siêu thị Co.opmart có hơn 100 điểm, số còn lại thuộc các thương hiệu cửa hàng thực phẩm Co.op Food, đại siêu thị Co.opXtra, trung tâm thương mại Sense City, cửa hàng tiện lợi Co.op Smiles, Cheers.

Đơn vị bán lẻ lâu đời nhất trên thị trường Việt này cũng có kế hoạch cán mốc 1.000 mặt bằng vào cuối năm nay. Trong đó, chuỗi được Saigon Co.op quan tâm nhất là cửa hàng thực phẩm Co.op Food.

Ông Nguyễn Anh Đức - Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết đây là một trong những chiến lược quan trọng của đơn vị bán lẻ này, để thực hiện chiến thuật "chợ gần nhà" trong vài năm nay. Hiện số lượng cửa hàng thực phẩm Co.op Food đóng góp gần 50% tổng điểm kinh doanh của Saigon Co.op.

Một tên tuổi lâu đời khác của thị trường bán lẻ trong nước là SATRA. Hiện thương hiệu này có khoảng 219 điểm kinh doanh, gồm cửa hàng tiện lợi Satrafoods, siêu thị Satra và trung tâm thương mại. 

Tính toán đến cuối năm 2019, SATRA cho biết sẽ đạt con số 330 điểm kinh doanh. Về tốc độ mở rộng chuỗi, thương hiệu này có phần chậm hơn so với các doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, lãnh đạo SATRA cho biết đây là hướng đi "chậm mà chắc" khi sử dụng kinh nghiệm lâu năm và thế mạnh sở hữu hệ thống cung cấp thực phẩm tươi sống để tiếp cận khách hàng.

Ngoài Vingroup, bản đồ bán lẻ Việt đang nằm trong tay ai? - Ảnh 3.

SATRA hiện có khoảng 219 điểm kinh doanh và có kế hoạch cuối năm nay đạt 330 cửa hàng. (Ảnh: P.H).

Tên tuổi mới nhưng gây sự chú ý nhiều nhất gần đây chính là chuỗi Bách Hóa Xanh của Thế Giới Di Động. Từ chuyên về ngành hàng điện thoại, điện máy, năm 2015, giới kinh doanh bất ngờ thấy ông Nguyễn Đức Tài kinh doanh hàng tiêu dùng và thực phẩm với chuỗi Bách Hóa Xanh với những điểm bán đầu tiên ở vùng ngoại ô TP HCM.

Đi kèm với tuyên bố này, ông Tài đã nhanh chóng mở rộng chuỗi cửa hàng thực phẩm với tốc độ thần tốc, chỉ riêng tháng 4/2019, Bách Hóa Xanh đã mở mới 43 điểm kinh doanh. 

Hiện Bách Hóa Xanh đã có khoảng 512 cửa hàng sau 4 năm kinh doanh, nhanh chóng vượt mặt SATRA và nếu duy trì tốc độ mở rộng nhanh chóng, rất có thể sẽ tiệm cận với Saigon Co.op.

Saigon Co.op, SATRA có ưu thế gì hơn so với Vingroup, Bách Hóa Xanh?

Vingroup và cuối năm 2018 đã khiến thị trường "sửng sốt" khi chỉ trong một ngày đồng loạt mở hơn 100 cửa hàng Vinmart+. Trong chiến lược của mình, Vingroup cũng chỉ nhắc đến sẽ tiếp tục nâng cao kỉ lục mà chưa nói rõ phương hướng phát triển cụ thể. 

Dù chưa thể khẳng định Vingroup sẽ thành công hay không, nhưng theo ghi nhận hiện nay, các cửa hàng tiện lợi Vinmart+ của Vingroup khá kén khách.

Cùng một khu vực có cửa hàng kinh doanh thì Co.op Food, Satrafoods và Bách Hóa Xanh luôn đắt hàng hơn. Một điểm chung dễ thấy ở cả 3 doanh nghiệp bán lẻ này là tập trung hẳn vào kinh doanh thực phẩm và khá hiểu tâm lí người tiêu dùng.

Ngoài Vingroup, bản đồ bán lẻ Việt đang nằm trong tay ai? - Ảnh 4.

Saigon Co.op hiểu tâm lí khách hàng đến mức luôn cháy thực phẩm vào những ngày cuối tuần, lễ tết. (Ảnh: P.H).

Tại Co.op Food, doanh ngiệp bán lẻ có nhiều kinh nghiệm nhất trên thị trường để khách có thể tự do lựa chọn rau, củ, quả theo đúng sở thích và nhu cầu. Cách làm này tương tự tại các chợ truyền thống khi khách hàng có thể thoải mái mua sắm.

Trong một hội thảo lớn gần đây, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op Diệp Dũng cho biết hiện doanh số bán hàng trung bình mỗi năm gấp đôi so với nhà bán lẻ có thứ hạng kế cận. Tuy nhiên, ông Dũng không tiết lộ danh tính doanh nghiệp đang xếp ở vị trí thứ hai.

Trong khi đó, Satrafoods lại đánh trúng tâm lí của người tiêu dùng đô thị, khi chia thực phẩm thành những phần nhỏ phù hợp bữa ăn gia đình ít người. 

Theo đó, khách hàng chỉ cần đến lấy và thanh toán ngay lập tức, không mất thời gian chọn lựa. Ngoài ra, doanh nghiệp chuyên về thực phẩm tươi sống này cũng có nhiều khuyến mãi trong khung giờ "đi chợ".

Dù là tay chơi trẻ nhất, nhưng Bách Hóa Xanh ngày càng bộc lộ khả năng hiểu tâm lí của các bà nội trợ. Từ tập trung vào mảng thực phẩm tươi sống hàng ngày, hiện các cửa hàng Bách Hóa Xanh được nâng cấp thành mô hình "thịt tươi, cá lội", hấp dẫn nhiều bà nội trợ. 

Ngoài Vingroup, bản đồ bán lẻ Việt đang nằm trong tay ai? - Ảnh 5.

Mô hình thịt tươi, cá lội đang giúp Bách Hoá Xanh hái ra tiền. (Ảnh: P.H).

"Phân khúc mà Bách Hóa Xanh nhắm đến là thị trường chợ truyền thống, nơi có số lượng khách hàng khổng lồ. Bách Hóa Xanh hướng đến nhóm khách hàng thường xuyên và hàng ngày. Chúng tôi không coi siêu thị là đối thủ cạnh tranh", ông Nguyễn Đức Tài khẳng định và cho biết xu hướng của Bách Hóa Xanh là ngày càng đi về ngoại thành và các tỉnh.

Với mục tiêu cụ thể này, đến nay, trung bình doanh thu mỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh đã đạt 1,3 tỉ đồng/tháng, thậm chí có cửa hàng lên đến 4 tỉ đồng, đây là con số không hề nhỏ với tay chơi mới.

Giám đốc thương mại Kantar Worldpaner Việt Nam, ông Nguyễn Huy Hoàng cho biết hiện các doanh nghiệp bán lẻ nội vẫn chiếm thị phần khá cao so với các doanh nghiệp ngoại, đặc biệt là độ phủ về thị trường khi không chỉ chú trọng tại các đô thị lớn.

Ngoài ra, ông Hoàng đánh giá ưu thế của các doanh nghiệp nội là đánh trúng tâm lí của người tiêu dùng, khiến họ lui tới hàng ngày và chi nhiều hơn cho các loại hàng hóa đang kinh doanh. Trong đó, thực phẩm tươi sống là mặt hàng tiềm năng khi chất lượng cuộc sống ngày càng cao hơn, người tiêu dùng cũng đòi hỏi cao hơn.