Nằm ở phường 3, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, chùa Dơi còn được gọi là chùa Mã Tộc hay chùa Mahatup, là ngôi chùa nổi tiếng bậc nhất của đồng bào Khmer ở khu vực Nam Bộ.
Theo thư tịch cổ, chùa được khởi công xây dựng vào từ năm 1569. Từ đó đến nay chùa được trùng tu nhiều lần, lần trùng tu lớn gần nhất là vào năm 2009.
Ngôi chùa này có kiến trúc Khmer cổ, chánh điện được xây bằng gạch, mái lợp ngói, bốn đầu mái cong vút chạm trổ hình rắn Naga, trên đỉnh mái có một ngọn tháp nhọn.
Bao quanh chánh điện là các hàng cột đỡ, mỗi cột có một tượng tiên nữ Keynor chắp hai tay trước ngực...
Trong chánh điện có pho tượng Phật Thích Ca bằng đá nguyên khối đặt trên một tòa sen cao khoảng 2m và một pho tượng miêu tả Đức Phật cưỡi trên rắn thần Muchalinda.
Khắp trên các bức tường là những bức tranh miêu tả cuộc đời Đức Phật, từ lúc ra đời cho tới khi được khai minh rồi nhập Niết bàn.
Bên ngoài chánh điện chùa là khuôn viên xanh mát rợp bóng cây cổ thụ, không gian mát mẻ, thanh tịnh.
Trong khuôn viên còn có xây nhiều bảo tháp chứa di hài các sư trụ trì chùa.
Nhà hội Sa La với kiến trúc kiểu nhà rông là nơi nghỉ ngơi, tu học của các sư sãi...
Điều độc đáo nhất của chùa dơi là trong vườn chùa có rất nhiều dơi quạ trú ngụ. Đây là loài dơi, trọng lượng từ 1 - 1.5kg với sải cánh rộng đến 1.5m. Sự hiện diện của đàn dơi chính là nguồn gốc tên gọi chùa dơi.
Một điều kỳ lạ khác ở chùa Dơi là phía sau chùa có những ngôi mộ dành cho heo 5 móng (heo thường có 4 móng). Theo quan niệm của người Khmer, heo 5 móng là con vật "thành tinh" do con người đầu thai, gia đình nào nuôi phải con heo này thì sẽ gặp bất hạnh, lục đục.
Cạnh khu mộ còn có một khu chuồng nuôi heo 5 móng do các gia đình trong khu vực gửi tới chùa. Những con heo "thành tinh" ở đây được nuôi dưỡng cẩn thận, khi chết được chôn cất tử tế.
Ngoài những nét độc đáo trên, chùa Dơi còn là một địa điểm lý tưởng để khám hóa văn hóa của người Khmer Nam Bộ. Đến thăm chùa, du khách sẽ có dịp thưởng thức màn trình tấu tuyệt vời của dàn nhạc ngũ âm, loại hình âm nhạc truyền thống Khmer.
Chiếc ghe ngo - thuyền rồng truyền thống của ngươi dân tộc Khmer được bày trong khuôn viên chùa, sẽ được sử dụng trong các kỳ lễ hội Khmer.
Năm 1999, chùa Dơi ở Sóc Trăng đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia của Việt Nam.