Chị Tạ Thuỳ Linh, 34 tuổi, sinh ra và lớn lên ở phố Thụy Khuê, Hà Nội. Hiện đang ở Zwolle, thành phố trung tâm của tỉnh Overijssel, phía đông của Hà Lan. Chị hiện là nhân viên của văn phòng trợ cấp thất nghiệp của chính phủ ở thành phố Zwolle. Đã kết hôn và có 2 con gái, một bé 12 tuổi và một bé 7 tuổi.
Chị Tạ Thùy Linh - chủ nhân của ngôi nhà cá tính, mang hồi ức của Hà Nội (Ảnh: NVCC) |
Định cư ở Hà Lan đã 16 năm nhưng những hồi ức về Hà Nội vẫn luôn khiến chị Linh nhớ về. Chuyển đến ngôi nhà mới nhất của mình, chị Linh đã tự lên ý tưởng và tìm tòi một số những bức tranh, biểu tượng của Hà Nội để trang trí nhà cửa. Với chị, dù ở đâu thì Hà Nội vẫn là một hồi ức nguyên vẹn khó có thể quên, và chị "mang" Hà Nội về ngôi nhà tại Hà Lan qua những bức ảnh về những biểu tượng của Hà Nội.
- Chào chị Thùy Linh, xuất hiện ở một hội nhóm với ngôi nhà xinh xắn mang hồn Việt, ý tưởng để lên ý tưởng và thiết kế ngôi nhà mất bao nhiêu lâu?
Mình bắt đầu sửa lại nhà khoảng 9 tháng về trước. Mình luôn thích một ngôi nhà mà khi khách bước vào cửa đã nhận ra sự khác biệt, đã biết nguồn gốc và quê quán của chủ nhà. Mình là người Hà Nội nên muốn mang những kí ức, những nét đẹp của Hà Nội về nhà mình, dù xa quê 16 năm rồi nhưng những hồi ức về Hà Nội vẫn nguyên vẹn, lúc nào cũng nhớ đến. Về thiết kế thì mình không có bản thiết kế cụ thể, mình vừa làm, vừa tham khảo ở các trang interior của Facebook. Xem để học hỏi, rút kinh nghiệm.
- Chị còn tự sơn sửa nhà cửa, một công việc chỉ dành cho đàn ông ở Việt Nam. Xin hỏi, những kĩ năng này chị đã được học và thực hành ở Hà Lan hay từ khi chị còn ở Việt Nam?
Trong quá trình sửa chữa thì có những phần mình phải thuê thợ chuyên nghiệp để đảm bảo không sai sót về mặt kĩ thuật. Nhưng cũng có việc mình tự tay làm như sơn nhà, cửa, đóng vật dụng treo trang trí từ gỗ thải container... Việc thuê một công ty nào đấy làm cho mình ở Hà Lan rất đắt đỏ. Không như Việt Nam có nhiều lao động chân tay giá rẻ, ở bên này lao động chân tay dạng như thợ có nghề rất đắt, tiền 1 tiếng còn cao hơn lương nhân viên văn phòng. Mình tự làm vì ngoài lí do kinh tế thì đó còn là sở thích, cũng là cái cảm giác kiểu như mình tự lập, tự chủ, làm được những điều cần cho cuộc sống của mình mà ít cần đến sự trợ giúp của đàn ông.
Chị Linh tự tay sơn sửa ngôi nhà của mình, decor nhiều biểu tượng của quê hương để vơi nỗi nhớ. |
Những việc như thế này thì thực sự là ở Việt Nam mình chưa bao giờ làm cả. Chỉ đến khi sang đến đây thì làm thôi. Cứ làm, thử, không thích thì lại làm lại. Ngay cả việc sơn nhà mình thích sơn kiểu giả tường bê tông nên mình mở YouTube, lên các pages xem người ta dùng cọ nào, chổi nào, sơn màu nào trước màu nào sau, kĩ thuật ra sao, rồi mình mua về làm. Mà cũng chẳng phải làm 1 lần đã ưng ý. Lúc mình sơn lên thì nó tối hơn ý mình. Thế là mình phải đợi 1 đêm cho khô, sáng hôm sau lại đi mua sơn màu sáng hơn và sơn lại. Lần này thì đạt theo đúng ý của mình.
Ở nước ngoài nếu bạn đặt một cái gì thì cũng phải đợi ít nhất 1 tuần hay 10 ngày nên nhiều cái mình thấy mình tự làm được thì mình làm, vừa rẻ hơn mà chỉ 2 ,3 ngày là xong. Vừa ý mình vừa mang dấu ấn riêng nữa.
- Tôi thấy trong nhà chị có mấy cây cột hay dùng trong bộ môn pole dance, chị hãy chia sẻ một chút về sở thích múa cột, một bộ môn hiện nay được nhiều phụ nữ Việt quan tâm và yêu thích?
Mình đến với pole dance cũng vô tình thôi. Khoảng hơn 2 năm trước, vô tình thấy quảng cáo studio mới mở thế là đi thử và cứ theo cho đến nay. Mình thích pole dance vì nó khác lạ, vẫn chưa được nhiều người biết đến và theo học rộng rãi. Hơn nữa nó rất đa dạng. Bạn tập càng lâu thì bạn càng làm được nhiều động tác khó và khám phá ra nhiều động tác, kĩ thuật mới...
Chị Linh theo đuổi môn pole dance như một môn thể thao... |
... người phụ nữ cá tính đã "trồng" một cây cột ngay tại nhà để tiện cho việc tập luyện hàng ngày. |
Thể thao đối với mình là 1 sở thích, một cách rèn luyện thân thể và sức khỏe. 1 tuần mình duy trì 2 buổi pole dance, 2 buổi gym và 1 buổi tập tự do.
- Chị thấy phụ nữ Hà Lan nói riêng và phụ nữ Châu Âu nói chung có điều gì khác và giống phụ nữ Việt?
Có nhiều điểm khác nhau của phụ nữ Hà Lan nói chung, phụ nữ châu Âu nói riêng lắm nhưng mình có thể đưa ra 1 vài điểm như là họ tự quyết định con đường đi của họ. Thường thì từ năm 18 tuổi đã dọn ra ở riêng nên họ độc lập, tự chủ về cuộc sống của mình. Họ cũng rất bình đẳng, không chỉ trong công việc mà ngay cả trong gia đình. Phân chia mọi việc rõ ràng từ việc chăm con, đi chợ, nấu cơm, dọn dẹp vợ ngày nào, chồng ngày nào.
Điểm giống nổi bật nhất với phụ nữ Việt Nam là phụ nữ Hà Lan rất vì con. Họ bảo vệ, chăm sóc và sẵn sàng hi sinh nhiều thứ cho con. Ví dụ như thời gian. Khi có con thì phụ nữ thường giảm giờ làm để có thế gần gũi, đưa đón con đi học hay hoạt động ngoại khóa với con.
- Ngôi nhà của chị vẫn luôn có không khí Hà Nội, không khí Việt Nam, yêu quê hương như vậy, chị có ý định trở về Việt Nam định cư hay không?
Hiện tại thì mình chưa có dự định về Việt Nam định cư vì 2 đứa bé nhà mình vẫn còn nhỏ, đang độ tuổi đi học. Mình vẫn nói tiếng Việt với con và cố gắng dạy tiếng Việt để con nói chuyện dc với gia đình mình ở Việt Nam. Mình vẫn nấu những bữa cơm phở Việt thuần chủng. Bé út nhà mình mà 2 ngày không ăn cơm lại hỏi, đặc biệt thích ăn nước mắm.
- Cảm ơn chị rất nhiều và chúc chị luôn hạnh phúc! Cùng ngắm ngôi nhà xinh xắn, cá tính của chị Thùy Linh tại Hà Lan:
Ngôi nhà đậm hồi ức Hà Nội của chị Thùy Linh, những bức ảnh về Hà Nội được chị lồng khung kính treo ở phòng khách. |
Hình ảnh cầu Long Biên, hoa huệ trắng là những biểu tượng của Hà Nội... |
Tẩm bản đồ gợi nhắc đến quê hương của chủ nhân ngôi nhà. |
Căn bếp sạch sẽ và có vài chậu cây giúp không gian tươi mới. |
Cây xanh là điểm nhấn giúp không gian sống của chị Linh có thêm sức sống. |
Những bữa cơm Việt vẫn được chị Linh nấu hàng ngày cho gia đình... |
Chị cho biết con chị rất thích ăn nước mắm, các món Việt hàng ngày... |
Với người phụ nữ cá tính nhưng vẫn đậm chất truyền thống này, trang trí nhà cửa hay nấu các món ăn Việt, dạy con nói tiếng Việt là cách mà chị giữ gìn nguồn cội, dù chị đã xa quê hương 16 năm. |