Sáng nay (16/9) tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức Hội thảo về chính sách giảm hại trong phòng, chống mại dâm: Vấn đề an toàn, sức khỏe và quyền con người.
Nghiên cứu này được thực hiện từ các cuộc phỏng vấn sâu với các nam, nữ, người chuyển giới bán dâm, chủ, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm và đại diện chính quyền địa phương. Đáng lưu ý, trong số 73 người làm nghề mại dâm được phỏng vấn, chỉ duy nhất một người cho biết bị lừa để bán dâm. Ngược lại rất nhiều người "lao động tình dục" tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ bị chủ kiểm soát việc đi lại và một số bị chủ giữ giấy tờ cá nhân.
Theo nghiên cứu, phần lớn gái mại dâm sử dụng ma túy đá; một số vừa dùng heroin vừa dùng ma túy đá, trong khi không được tiếp cận thuốc cai nghiện. (Ảnh minh họa) |
Nghiên cứu cũng cho thấy, không có người bán dâm nào tham gia nghiên cứu dưới 18 tuổi ở thời điểm họ được phỏng vấn. Tuy nhiên, hai nam giới, mười hai phụ nữ và hai người chuyển giới cho biết khi bắt đầu tham gia công việc bán dâm, họ dưới 18 tuổi (từ 15 – 17 tuổi). Mặc dù vậy, người bán dâm cho rằng, mười tám tuổi là lứa tuổi thấp nhất khi mới bắt đầu làm công việc bán dâm.
Theo thống kê của Bộ LĐTBXH, hiện nay, Việt Nam có khoảng 161.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” với hàng trăm nghìn lao động. Hầu hết những lao động này đang làm trong khu vực phi chính thức và có nguy cơ cao bị vi phạm quyền của người lao động.
Tại những cơ sở kinh doanh này, đặc biệt những nơi có khả năng liên quan đến mại dâm, lao động thường đối mặt với một số rủi ro như: không có hợp đồng lao động, bị giữ lương, ép uống rượu bia, thậm chí là bạo lực từ “khách làng chơi” nghiện ma túy, say rượu... Họ cũng có nguy cơ cao bị nhiễm HIV và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, đặc biệt là những những người có khả năng kinh tế kém và bán dâm.
Phát biểu tại hội thảo, ông Chang-hee Lee, Giám đốc ILO tại Việt Nam, từ năm 2003, việc đảm bảo quyền của người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ đã được Chính phủ ghi nhận và được đề cập trong Pháp lệnh Phòng chống mại dâm. Bảo vệ quyền cho người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm đã được đưa vào Chương trình Hành động phòng chống mại dâm giai đoạn 2016 – 2020. Đây là việc làm có ý nghĩa để bảo vệ quyền của lực lượng lao động thường “bị lãng quên” này.
Cũng chia sẻ tại hội thảo, đại diện Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTBXH) cho biết, hiện nay vẫn có những dấu hiệu của lao động cưỡng bức trong lĩnh vực này, như không được trả lương mà chỉ có tiền “bo”, làm quá thời gian quy định, lao động để trả nợ… Người bán dâm cũng có nguy cơ bị hãm hiếp, bị đánh đập để trả nợ, bị “đầu gấu”, bảo kê xin đểu; có nguy cơ cao mắc bệnh xã hội, mang thai ngoài ý muốn, khó tiếp cận dịch vụ y tế, không được điều trị ARV khi nhiễm HIV...
Bên cạnh đó, phần lớn gái mại dâm sử dụng ma túy đá; một số vừa dùng heroin vừa dùng ma túy đá, trong khi không được tiếp cận thuốc cai nghiện.
Chia sẻ tại buổi hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh, Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định, phần nào không để hoạt động mại dâm gia tăng gây bức xúc trong xã hội, góp phần làm giảm các bệnh xã hội, HIV. Người làm nghề mại dâm cũng được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tư vấn nghề nghiệp, tâm lý…
Ông Nguyễn Trọng Đàm cho biết thêm, từ nay đến 2019, Luật về mại dâm sẽ được đưa vào chương trình xây dựng Luật của Bộ LĐTBXH.