Mái ấm Thiên Thần - ngôi nhà của gần 100 trẻ nhỏ bị bỏ rơi. (Video: Xuyến Kim).
Hằng ngày, người đàn ông được 90 đứa trẻ ở đây gọi là bố thức dậy từ lúc 4h. Ông bắt đầu với công việc nấu buổi sáng cho các con, tiếp đó là tự mình đưa các bé đến trường trên chiếc xe tải nhỏ. Sau khi chuẩn bị bữa trưa, ông đón các con về nhà, dạy học và chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ của chúng.
Ông Bùi Công Hiệp. (Ảnh: Anh Đào).
Lửa đạn tàn khốc trong chiến tranh để lại trong tâm trí ông Hiệp nỗi ám ảnh về những đứa bé không cha, không mẹ nằm bơ vơ trên đường. Người chiến sĩ năm ấy nguyện sau này sẽ xây một căn nhà cưu mang những đứa trẻ mồ côi, để chúng có nơi ăn, chốn ở và khoe với bạn bè rằng "đây là nhà của tôi".
Trở về từ chiến trường, ông làm đủ mọi nghề, từ đạp xích lô đến phụ hồ. Sau này, ông tự mở xưởng cơ khí nhằm thực hiện mong ước của mình. Mãi đến năm 2010, ông xin được giấy phép của quận và chính thức bắt tay vào xây dựng mái ấm.
Chiếc xe tải nhỏ mỗi ngày đưa các em đến trường. (Ảnh: Anh Đào).
Bằng cả tâm nguyện một đời, ông đặt tên cho mái ấm là Thiên Thần vì cho rằng: "Khi gặp hoạn nạn, người ta thường cầu sự cứu giúp của thiên thần. Cho nên mái ấm Thiên Thần là nơi cứu vớt những hoàn cảnh cơ nhỡ". Và trong mắt nhiều người, ông cũng chính là "thiên thần" của gần 100 đứa trẻ.
Từ ngày thành lập chỉ có 5 bé, giờ đây mái ấm lúc nào cũng tràn ngập tiếng con nít, tiếng cười đùa hay khóc thét của bọn trẻ. Mỗi bé tại đây đều có riêng hoàn cảnh, có bé được nhặt trước cổng mái ấm, có bé được ông Hiệp mang về từ bệnh viện, các dãy nhà trọ của sinh viên. Nhưng đau lòng nhất có lẽ là khi cha mẹ chúng mang đến làm giấy tờ giao lại con cho ông Hiệp.
Giờ ngủ trưa của các bé. (Ảnh: Anh Đào).
Trong số đó, có 2 đứa trẻ bị nhiễm HIV vẫn còn hoài trong tâm trí của ông Hiệp. "Lúc ba mẹ ẵm đến chúng đang ở giai đoạn cuối rồi. Thoạt đầu tới thì ba mẹ chúng không dám nói, 2 vợ chồng rất thất vọng vì cũng đi nhiều nơi tới mái ấm của tôi là chỗ cuối. Và cuối cùng tôi nhận nuôi, về sàng lọc, thử máu và qua nhiều lần xét nghiệm đều âm tính. Tới giờ thì hai bé đó đứa được 1 tuổi, còn bé kia được 5 tuổi".
Ông Hiệp cho biết, mỗi bé tới đây, gia nhập vào mái ấm này, ông luôn muốn hỏi tên thật để làm khai sinh cho cháu. Còn nếu không có, các bé sẽ mang họ ông, tên lót là Kim, tên là tùy vào hoàn cảnh mỗi bé mà ông bố thứ hai này chọn đặt.
Mỗi ngày, ông Hiệp đều cần mẫn đọc sách, học ngoại ngữ và nghiên cứu những phương pháp, mô hình giáo dục tiên tiến nhất để áp dụng dạy dỗ các con. Hiện, ông đang học về phương pháp Montessori. Đây là phương pháp giáo dục trẻ em bằng học tập thông qua các giáo cụ trực quan mà ông rất tâm đắc và kì công tìm hiểu. Người bố của các đứa trẻ tại Mái ấm Thiên thần cũng cho biết sắp tới sẽ nhập từ Mỹ về các giáo cụ để phục vụ cho phương pháp dạy và học này.
Bé Ly (7 tuổi) chăm chỉ tập viết vào giờ học Anh văn. (Ảnh: Anh Đào).
"Chỉ tính chi phí cho dụng cụ học tập thôi là đã hơn 200 triệu, lương giáo viên mỗi tháng 20 triệu nhưng đổi lại các bé có khả năng tự lập cao, khả năng tư duy tốt hơn, giải quyết vấn đề theo tư duy tốt hơn. Trong các khoản đầu tư, khoản đầu tư cho giáo dục là khoản đầu tư phi lợi nhuận. Và đó chính là điều tôi hướng đến để nuôi dưỡng các bé", ông Hiệp chia sẻ.
Ngoài việc học ở trường, các em nhỏ ở đây còn được học thêm tiếng Anh, học bơi, học võ, hội họa… và được chơi các trò mà các bé thích. Ông Hiệp cho biết vừa kí hợp đồng vay tiền để tiếp tục dự án tạo sân chơi cho các con.
Các cô bảo mẫu tận tình chăm lo cho các bé. (Ảnh: Anh Đào).
Khác với cái nhìn hà khắc của nhiều phụ huynh, ông luôn tôn trọng nét cá tính của con mình. Chia sẻ dưới góc độ của một người cha, ông nói: "Con đường an toàn nhất là đi theo đám đông. Nhưng đi theo đám đông con sẽ không sáng tạo, không vượt trội, không nổi bật. Tôi đã từng bị nói là 'kẻ nổi loạn' vì tôi chỉ làm việc khi trái tim tôi mách bảo và tôi phá vỡ mọi thứ để tôi tìm được hướng đi riêng phù hợp cho mình".
Ngoài ông Hiệp, các bé tại đây còn được chăm lo bởi bàn tay của các cô bảo mẫu. Cô Loan, bảo mẫu của phòng trẻ sơ sinh chia sẻ: "Tôi thương tụi nhỏ như con tôi sinh ra, có khi còn hơn nữa. Chăm bé sơ sinh cực hơn vì mình phải quan sát nó thường xuyên phòng khi nó có biểu hiện của cảm hay sốt mà kịp thời chở đi bệnh viện. Tôi là bà mẹ của 2 đứa con rồi nên tôi biết, trẻ sơ sinh nó cần hơi mẹ lắm nhưng các bé ở đây thì không được như vậy".
Cứ mỗi lần có mạnh thường quân hoặc các đơn vị trực thuộc các trường đại học đến thăm, mọi người thường ghi lại những lời chúc như thế dành cho các bé ở đây. (Ảnh: Anh Đào).
Vừa chăm con tay chân luyên thuyên, mắt nhìn hết đứa này tới đứa khác coi nó có khát hay đói không, cô Loan cười vui bảo: "Quen tay quen chân, sáng là phải gặp tụi nó, tắm rửa, thay tã, cho bú... riết rồi quen xa không được. Giàu gì thì không biết chứ tôi là giàu con cái".
Ở mái ấm Thiên Thần, chính tình yêu thương đã biến những nỗi bất hạnh của những đứa trẻ mồ côi trở thành nguồn năng lượng, động lực cho những người cha, người mẹ thứ hai.