Xe đậu hũ nóng đậm đà chất Huế của cụ bà 72 tuổi trong hẻm nhỏ Sài Gòn

Chất giọng đậm xứ Huế cùng nụ cười hiền lành, vui vẻ của cụ bà Hoàng Thị Bẹo (72 tuổi) làm những ai đã từng mua của bà một li tàu hũ hay chai sữa đậu nành đều khó có thể quên được...

Bà Bẹo luôn tươi cười với khách bằng chất giọng đậm đà xứ Huế. (Video: Xuyến Kim - Bách Hợp).

Li đậu hũ đậm đà chất Huế

Xe đậu hũ 20 năm tuổi của bà Bẹo nằm trên đường Ngô Quyền (quận 9) bắt đầu bán từ 8h sáng cho đến trưa. Từ lâu, món ăn đậm đà chất Huế này đã trở thành lựa chọn cho bữa sáng vội vàng mà thơm ngon của biết bao thế hệ.

Nhờ sự vui vẻ và tâm huyết của cụ bà, người mua cứ đến nườm nượp. Khách nào đến cũng cầm từ 2-3 li mang về hiếm khi mua ít.

A1_1

Chiếc xe tàu hũ của bà Hoàng Thị Bẹo (72 tuổi) thường đặt trước con hẻm trọ của bà, số 39A Ngô Quyền, phường Hiệp Phú, quận 9. (Ảnh: Xuyến Kim).

Mỗi ngày bà bán khoảng 15 lít sữa đậu nành và hơn 150 li đậu hũ. Mỗi chai sữa đậu nành lớn có đường giá 10.000 đồng, không đường là 8.000 đồng; chai nhỏ có đường 7.000 đồng, không đường 6.000 đồng; mua li thì chỉ 5.000 đồng. Món đặc biệt nhất của bà là tàu hũ đường nước cốt dừa, tùy theo nhỏ lớn mà giá cũng từ 8.000 - 10.000 đồng.

Bà kể rằng chồng qua đời do chiến tranh, khi ấy đứa con gái duy nhất của bà với ông mới tròn 1 tuổi. Cảnh mẹ góa con côi, bà một mình gồng gánh cả gia đình. "Do cuộc sống ở quê khốn khó nên tôi phải bồng con vào Sài Gòn làm công nhân. Cho đến nay cũng mấy chục năm tha phương. Bây giờ con tôi gần 50 tuổi, có chồng, có con nên tôi được an ủi.

Có nhiều người hỏi tôi sao phải ở trọ chật hẹp, ở một mình không để con cái nuôi. Tôi thấy bình thường lắm, đi bán dù mệt nhưng vui, con lâu lâu ghé thăm cho mình tiền chứ nó còn phải lo cho gia đình riêng. Tôi còn khỏe, coi như ngày trước làm để nuôi con, bây giờ nuôi mình chứ tôi mà nghỉ là khách họ kiếm tôi dữ lắm", người phụ nữ tuổi ngoài 70 tâm sự.

A2_1

Tận dụng một gốc nhỏ của con hẻm dẫn vào trọ bà đặt thùng đá ở đó để tiện bán cho khách. (Ảnh: Xuyến Kim).

Đứng từ xa, tấm lưng bà còng hiện rõ, cùng với mái tóc bạc, búi phía sau hiện rõ nét đặc trưng của người Huế. Có những lúc khách đông, bán không xuể mỏi quá bà tựa người vào mép chiếc xe đẩy, cùi chỏ tay phải trụ vào thành rồi múc từng vá đậu cho vào li, thêm nước đường, nước cốt dừa. Ai đến mua, bà cũng hỏi một câu đặc chất Huế "con ăn gì hỉ?" hay "mần ở đâu mà lâu rồi không thấy mua hỉ?" với những người khách quen.

Những vị khách đặc biệt

Chiếc xe tàu hũ hằng ngày vẫn được bà tần mẫn lau chùi sạch sẽ và bày biện gọn gàng. "Xe này cũng gần 20 năm rồi, tôi dùng kĩ nên lâu cũ", bà cười. Vãn khách một chút, bà Bẹo chậm rãi ngồi xuống cái ghế nhựa đã phai màu, kể: "Tôi không có điện thoại di động để liên lạc, mỗi lần không thấy tôi bán, khách quen tưởng bệnh rồi đến tận phòng trọ thăm, mang cho gạo với sữa".

Đặc biệt, có hai bạn sinh viên đã ra trường từ lâu vẫn về thăm và cho bà tiền. "Lần nào đến, chúng cũng ở lại ngủ với tôi. Đến khuya 2h sáng lại thức nấu tàu hũ, nấu sữa đậu nành chuẩn bị đồ bán với tôi, sáng lại hai cậu đó mới đi", bà nói.

A6

Dù trời nắng hay trời mưa thì con đường này hiếm khi vắng bóng của bà bên chiếc xe đẩy bán tàu hũ và sữa đậu nành. (Ảnh: Bách Hợp).

"Thấy mấy món của bà đơn giản nhưng lại rất ngon. Tầm 3-4 tháng nay mình có việc về Vũng Tàu không ăn tàu hũ của bà cũng thấy thèm, nay lên mới mua lại, chắc hôm nào cũng phải 2 li", anh Tuấn - một khách quen của bà chia sẻ.

Chị Trinh thường đi làm ở đường Trần Hưng Đạo cũng là khách quen của bà chia sẻ: "Mình hay mua tàu hũ chỗ bà vì tàu hũ bà làm rất đặc biệt. Hầu như nguyên liệu bà mua, còn lại bà tự làm tự nấu cho nên vệ sinh, nước đường thanh, không ngọt gắt mà có thêm mùi thơm của gừng bà cắt lát bỏ vào nữa".

Những người đến mua tàu hũ, sữa đậu nành của bà thường là mối quen hoặc bà nội trợ. (Ảnh: Xuyến Kim).

Những nguyên liệu để nấu bà thường nhờ người hàng xóm mua như đường cát, bột năng, nước dừa nạo sẵn rồi về nấu. Chỉ tay vào từng nồi nước dùng, bà nói: "Muốn li tàu hũ ngon phải có nước cốt dừa với nước đường. Nước đường thì tôi nấu thiệt lâu, khuấy liên tục từ 3h tới 5h mới xong được. Sau đó thêm gừng vào vì cho vào sớm sẽ bị đắng nước. Gừng làm tăng thêm mùi thơm và vị the nên khách thích lắm".

Khác những chỗ thường nấu bằng thùng đựng đá hoặc xoong, bà Bẹo dùng nồi đất. "Tàu hũ nấu trong nồi đất vừa ngon mà nóng hơn, chất lượng hơn. Những cái thùng đựng đá bằng nhựa mà tàu hũ thì nóng, nấu vậy dễ bị ung thư lắm", người phụ nữ chia sẻ kinh nghiệm suốt 20 năm bằng giọng tâm đắc.

A1

Những ngày mưa nắng thất thường khiến bà thêm vất vả. (Ảnh: Xuyến Kim).

Giữa những ngày tháng 9 thời tiết thất thường, lúc mưa bà Bẹo trú vào mái hiên nhà xung quanh hoặc dựng mái che lên, hết mưa lại đi tiếp, bán cho đến hết. Khi đi bán, bà mang thêm mấy cái ghế, với chén nhỏ để người dân có thể vừa ăn vừa nói chuyện với bà.

Dù dáng người nhỏ nhắn, gầy gò nhưng nụ cười hiền lúc nào cũng túc trực trên môi của bà. "Tôi không mong gì ở tuổi này ngoài sức khỏe, có vậy mới bán tàu hũ cho khách được hoài", bà Bẹo nói rồi cười giòn.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.