'Mr Mouse' và vườn thú đầy màu sắc giữ tuổi thơ cho trẻ con Sài Gòn

Nằm lọt thỏm ở một góc phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP HCM), gian hàng đồ chơi thủ công của ông Chuột vẫn thu hút không ít ánh mắt tò mò của các khách hàng nhỏ tuổi.

'Làm đồ chơi cho con nít mình cũng thấy trẻ lại'

Tên thật là Nguyễn Kim Hạnh (75 tuổi), ông Chuột đã có hơn 15 năm gắn bó với công việc làm đồ chơi thủ công cho trẻ em. Trước khi đến với nghề này, ông từng trải qua không ít thăng trầm, có khi dịch thuật tiếng Anh, tiếng Pháp, hướng dẫn viên du lịch kể cả làm nông.

Kể về cơ duyên đưa mình đến với công việc, ông tâm sự vào năm 1990, thấy sức khỏe không làm ruộng được nữa, ông lên Sài Gòn để kiếm công việc khác. Sẵn có sự sáng tạo cùng nguyên vật liệu giá rẻ, ông bắt tay vào làm đồ chơi dân gian.

Mr Mouse và 'vườn thú' đầy màu sắc giữ tuổi thơ cho trẻ con Sài Gòn - Ảnh 1.

Niềm vui của Mr Mouse là được thấy trẻ con chơi những món đồ mình làm ra. (Ảnh: Minh Quân).

Ban đầu chỉ là những con chuột bằng giấy, rồi con chim, con bướm, con rùa, con cá… cũng lần lượt ra đời khiến gian hàng ông thêm màu sắc. Riêng con rắn, do hai bàn tay co quắp vì bị tật từ bé, nên vợ ông là người làm thay. "Vườn thú" đông đúc ấy theo chân ông len lỏi vào tuổi thơ của không ít thị dân thành phố.

Lí giải cho biệt danh ngộ nghĩnh của mình, ông Chuột kể trong một lần bày hàng, ông làm rớt dây của những con chuột giấy, vô tình chúng chạy lại một nhóm nữ sinh đang chụp hình. Thế là bọn trẻ gần đó kêu lên "con chuột, con chuột" làm mọi người một phen hú vía. 

Nhờ vậy mà mọi người tò mò tìm đến gian hàng của ông, bọn trẻ cũng không hỏi tên, cứ quen miệng gọi là ông Chuột. Thấy cái tên đó vừa thân thương, vừa dễ nhớ nên ông cũng không chỉnh rồi thành biệt danh lúc nào không hay.

photo-3

Người đàn ông 75 tuổi lọt thỏm nơi góc phố đi bộ Nguyễn Huệ. (Ảnh: Minh Quân).

Một ngày với ông bắt đầu bằng việc đi mua nguyên liệu như: kẽm, xốp, dây, đồ trang trí... Làm đồ chơi đến chiều khoảng 17h ông lại chạy xe ra Hồ Con Rùa hay phố đi bộ để bán đến tận 22h.

Các con ông nay đều đã có công việc ổn định, thấy ba vẫn ngày ngày cặm cụi làm đồ chơi đem đi bán thì khuyên ông nghỉ để an hưởng tuổi già. "Làm đồ chơi cho con nít mình cũng thấy trẻ lại. Giờ ngồi nhà thôi thì buồn mà tự nhiên cũng thấy mình già", ông Chuột cười giòn.

Không chỉ có trẻ con Việt Nam, các bạn nhỏ nước ngoài cũng hào hứng với "vườn thú" của ông. Chỉ với những từ "move", "pick up", "down" đơn giản và đôi tay thoăn thoắt biểu diễn mà ông đã chinh phục được không ít cô cậu nhóc. Có bạn nhỏ sau này được cha mẹ dẫn đi thăm Việt Nam lần 2, lần 3 vẫn nhớ và gọi tên "Mr Mouse" năm nào.

Những món đồ chơi Mr Mouse khéo léo làm ra. (Ảnh: Minh Quân).

Dù là con của những người bán hàng gần đó hay là những đứa bé đi ngang qua, nếu thích ông cũng đều sẵn sàng cho mượn đồ chơi. Bởi: "Đồ chơi mình làm được thì mình sửa được, chỉ có niềm vui của con trẻ là khó kiếm nên mình chịu khó chút".

Nỗi lòng người giữ tuổi thơ

Những món đồ chơi hiện đại thế chỗ những món hàng làm thủ công. (Ảnh: Minh Quân).

Giờ đây, nhìn gian hàng của ông có lẽ sẽ không ít người chạnh lòng, bởi con bướm, con rùa ngày xưa giờ đã lặng im chia đôi chiếc mâm cho những món đồ chơi lạ lùng. Đó có thể là những vòng lò xo bằng nhựa, những con thú lò xo hay một cục cao su để nắn bóp. Bởi dường như chúng hấp dẫn lũ trẻ hơn đồ chơi ông làm.

Mr Mouse và 'vườn thú' đầy màu sắc giữ tuổi thơ cho trẻ con Sài Gòn - Ảnh 5.

Ông Chuột đang dần chìm vào quên lãng giữa phố phường nhộn nhịp. (Ảnh: Minh Quân).

Cứ thế, ông Chuột vẫn ngồi đó, ngày ngày cặm cụi cùng "vườn thú" của mình. Liệu rằng có ai thầm nghĩ: "Nếu một ngày ông Chuột bị che khuất bởi những tòa nhà chọc trời đang mọc lên khắp thành phố, ai sẽ đem chút hương vị tuổi thơ ngày xưa đến cho lũ trẻ thị thành?".

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.