Nhìn vào menu sẽ thấy sự đa dạng về các loại nhân bánh tráng, từ truyền thống đến biến tấu bằng cách thêm xúc xích, chà bông, bò, mực… Nhưng thay vì lời nói, toàn bộ hoạt động từ gọi món, số lượng bánh hoặc thêm bớt nguyên liệu theo khẩu vị thực khách đều phải thực hiện bằng tay.
Bởi chủ nhân của hàng bánh tráng nướng này là anh Lê Trường Sơn (43 tuổi, Quảng Ngãi) và chị Lê Thị Mộng Thúy (37 tuổi, Đồng Nai) đều không thể nghe, nói được.
Tấm biển được treo bên thân xe thu hút không ít thực khách. (Ảnh: Minh Quân)
Toàn bộ "gia tài" của anh chị là chiếc xe đẩy cùng vài chiếc ghế nhựa để tạm trên vỉa hè nếu khách muốn ngồi lại. Trước đây, xe bánh tráng nằm ở số 4 Tôn Đức Thắng (gần cổng trường Đại học Sài Gòn, cơ sở 2), nhưng do lượng khách không ổn định, họ quyết định dời về đường Vạn Kiếp hơn một năm nay.
Hiểu được sự bối rối của những vị khách lần đầu đến quán, trên xe dán đã sẵn menu chi tiết kèm hướng dẫn gọi món "chúng tôi không thể nghe và nói, vui lòng chỉ tay chọn món".
Menu chi tiết kèm hướng dẫn cho khách gọi món. (Ảnh: Minh Quân)
Một vị khách đến quầy, chỉ tay vào phần bánh tráng nướng truyền thống, chị Thúy liền thoăn thoắt phết bơ, cho một muỗng thịt bằm đầy ắp, bỏ thêm tôm khô, hành lá và khéo léo đập trứng lên trên. Sau đó chị khéo léo xoay bánh sao cho chín đều rồi cẩn thận gấp bánh khỏi bếp than, cho vào túi giấy.
Dù không thể nghe, cũng chẳng thể nói, nhưng lúc nào cũng vậy, khách đến mua không chỉ nhận được chiếc bánh tráng giòn thơm, mà còn cả nụ cười thật hiền đầy biết ơn của anh chị.
Cho biết là khách quen của quán, anh Nguyễn Thành Nam (25 tuổi) chia sẻ: "Mình tình cờ biết đến quầy bánh tráng này qua một kênh ẩm thực trên mạng, cũng ghé vài lần ủng hộ. Bánh ngon và nhiều nhân, đặc biệt lúc nào đến đây mình cũng nhận được thật nhiều nụ cười từ anh chị chủ quán".
Những chiếc bánh với nhân biến tấu hấp dẫn. (Ảnh: Minh Quân).
Mấy hôm nay anh Sơn bị bệnh, không thể ra phụ vợ. Hàng xóm kể rằng họ gặp nhau trong một trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật ở Bình Dương và nên duyên vợ chồng sau 5 năm tìm hiểu. Hiện, xe bánh tráng nướng này là phương tiện để anh chị chăm lo cho gia đình nhỏ với hai đứa con kháu khỉnh. Con trai lớn tên Lê Minh Quân (5 tuổi) được lấy để đặt cho hàng bánh tráng, còn cô con gái nhỏ Lê Ngọc Hà cũng vừa lên 2 tuổi.
Chị Thúy ngày càng vất vả hơn khi sức khỏe của chồng xuống dốc. (Ảnh: Minh Quân)
Những ngày hai con bập bẹ tiếng đầu tiên cũng chính là giai đoạn mà anh chị vất vả nhất. Không dùng lời nói, anh Sơn kiên nhẫn dạy cậu con trai ngôn ngữ kí hiệu để trò chuyện cùng bố mẹ. Nhưng khó khăn lại chồng thêm khó khăn khi thời gian gần đây, mắt anh Sơn yếu dần, việc nhìn màn hình điện thoại cũng trở nên vất vả. Vì thế, mọi giao tiếp đều được trao đổi qua chị Thúy bằng giấy bút.
Bất chấp những cơn mưa bất chợt những ngày tháng 8, hàng bánh tráng đặc biệt này vẫn thu hút không ít khách ra vào. Tất cả đều vui vẻ chỉ vào menu hoặc cố hết sức diễn tả điều mình muốn nói bằng hình thể.
Không ít thực khách vẫn ghé đến ủng hộ dù trời mưa. (Ảnh: Minh Quân)
Có lẽ, chẳng ở đâu khách hàng phải "vất vả" để gọi món, tình nguyện bỏ qua ngôn ngữ thường dùng để thể hiện bằng một thứ ngôn ngữ khác như tại đây. Nhưng trong sự lặng yên đó, họ cất lên thanh âm của sự đồng cảm từ chính trái tim mình.
Nhìn lại dòng chữ "Hôm nay trời thật đẹp, nhưng tôi không thể nghe và nói" được viết trên xe, nhiều người bỗng phát hiện ra điều mà lâu nay bản thân quên mất, rằng "có những yêu thương không nhất thiết phải thành lời"...
Kinh doanh 14:49 | 23/10/2019
Tiêu dùng 14:14 | 23/10/2019
Kinh doanh 21:28 | 22/10/2019
Tiêu dùng 14:30 | 22/10/2019
Đô thị 13:41 | 20/10/2019
Du lịch 12:24 | 20/10/2019
Đô thị 10:01 | 20/10/2019
Tiêu dùng 08:05 | 20/10/2019